Vay nặng lãi mất khả năng chi trả phải xử lý thế nào?
Vay tiền là giao dịch dân sự bình thường được pháp luật cho phép nhưng nếu có vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý về hành chính hay hình sự theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì người có hành vi “dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự” có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng.
Về trách nhiệm hình sự, căn cứ vào Điều 140 Bộ luật Hình sự 1999 về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có quy định:
“1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ một triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới một triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản”
Trường hợp em bạn đã vay tiền của nhiều người với lãi suất cao và dùng tài sản vào việc vi phạm pháp luật là đánh bài, cá độ dẫn đến không có khả năng trả lại và hiện nay em bạn cũng không có ý định trả lại vì hiện nay em bạn không có tiền, như vậy là có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản, nên em bạn có thể bị truy cứu TNHS về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Vì tổng số tiền vay là khoản 1,5 tỷ nên em bạn có thể bị truy cứu theo Khoản 4 Điều 140 Bộ luật hình sự 1999:
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.
Do vậy, trong trường hợp này, gia đình bạn nên thỏa thuận với những người mà cho em bạn vay tiền để thương lượng trả nợ, khi đó thì có thể chứng minh em bạn không có mục đích chiếm đoạt tài sản để có thể không bị truy cứu TNHS.
Đối với hành vi của những người cho vay nặng lãi, theo quy định Điều 163 Bộ luật Hình sự 1999 có quy định về tội cho vay nặng lãi như sau: Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ 1 lần đến 10 lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm. 2. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Quy định về mức lãi suất thì tại Điều 476 Bộ luật dân sự có quy định: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150 % của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.
Với mức lãi suất 30-40%/1 năm thì những người cho vay nặng lãi có thể bị truy cứu TNHS về tội cho vay nặng lãi nếu việc cho vay có tính chất chuyên bóc lột.
Từ những phân tích trên của chúng tôi thì gia đình bạn nên cân nhắc để lựa chọn phương án phù hợp nhất.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về mất khả năng chi trả khi vay nặng lãi. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật Hình sự 1999 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật