Rủi ro và bất khả kháng trong hợp đồng thi công xây dựng công trình được quy định như thế nào?
Rủi ro và bất khả kháng trong hợp đồng thi công xây dựng công trình được quy định tại Điều 10 Thông tư 09/2016/TT-BXD hướng dẫn hợp đồng thi công xây dựng công trình như sau:
1. Rủi ro và bất khả kháng thực hiện theo quy định tại Điều 51 Nghị định 37/2015/NĐ-CP và các quy định sau:
a) Bất khả kháng khác trong thi công xây dựng bao gồm các sự kiện sau: quá trình thi công gặp hang caster, cổ vật, khảo cổ, túi bùn mà khi ký hợp đồng các bên chưa lường hết được.
b) Trách nhiệm của các bên đối với rủi ro
- Đối với những rủi ro đã tính trong giá hợp đồng thì khi rủi ro xảy ra bên nhận thầu phải chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả bằng kinh phí của mình.
- Đối với những rủi ro đã được mua bảo hiểm thì chi phí khắc phục hậu quả các rủi ro này do đơn vị bảo hiểm chi trả và không được tính vào giá hợp đồng.
- Bên nhận thầu phải bồi thường và gánh chịu những tổn hại cho bên giao thầu đối với các hỏng hóc, mất mát và các chi phí (bao gồm phí và các chi phí pháp lý) có liên quan do lỗi của mình gây ra.
- Bên giao thầu phải bồi thường những tổn hại cho bên nhận thầu đối với các thiệt hại, mất mát và chi phí (bao gồm phí và các chi phí pháp lý) liên quan do lỗi của mình gây ra.
c) Thông báo về bất khả kháng
- Khi một bên gặp phải tình trạng bất khả kháng thì phải thông báo bằng văn bản cho bên kia trong thời gian sớm nhất, trong thông báo phải nêu rõ các nghĩa vụ, công việc liên quan đến hậu quả của bất khả kháng.
- Bên thông báo được miễn thực hiện công việc thuộc trách nhiệm của mình trong thời gian xảy ra bất khả kháng ảnh hưởng đến công việc theo nghĩa vụ hợp đồng.
e) Trách nhiệm của các bên đối với bất khả kháng
- Nếu bên nhận thầu bị cản trở thực hiện nhiệm vụ của mình theo hợp đồng do bất khả kháng mà đã thông báo theo các Điều Khoản của hợp đồng dẫn đến chậm thực hiện công việc và phát sinh chi phí do bất khả kháng, bên nhận thầu sẽ có quyền đề nghị xử lý như sau:
+ Được kéo dài thời gian do sự chậm trễ theo quy định của Hợp đồng (gia hạn thời gian hoàn thành);
+ Được thanh toán các chi phí phát sinh theo các Điều Khoản quy định trong hợp đồng.
- Bên giao thầu phải xem xét quyết định các đề nghị của bên nhận thầu.
- Việc xử lý hậu quả bất khả kháng không áp dụng đối với các nghĩa vụ thanh toán tiền của bất cứ bên nào cho bên kia theo hợp đồng.
g) Chấm dứt hợp đồng do bất khả kháng, thanh toán, hết trách nhiệm
Nếu việc thực hiện các công việc của hợp đồng bị dừng do bất khả kháng đã được thông báo theo quy định của hợp đồng trong Khoảng thời gian mà tổng số ngày bị dừng lớn hơn số ngày do bất khả kháng đã được thông báo, thì một trong hai bên có quyền gửi thông báo chấm dứt hợp đồng cho bên kia.
Đối với trường hợp chấm dứt này, bên giao thầu sẽ phải thanh toán cho bên nhận thầu:
- Các Khoản thanh toán cho bất kỳ công việc nào đã được thực hiện mà giá đã được nêu trong hợp đồng;
- Chi phí cho thiết bị và vật tư được đặt hàng cho công trình đã được chuyển tới cho bên nhận thầu, hoặc những thứ bên nhận thầu có trách nhiệm chấp nhận giao hàng: thiết bị và vật tư này sẽ trở thành tài sản (và là rủi ro) của bên giao thầu khi đã được bên giao thầu thanh toán, và bên nhận thầu sẽ để cho bên giao thầu sử dụng;
Trên đây là quy định về Rủi ro và bất khả kháng trong hợp đồng thi công xây dựng công trình. Để hiểu rõ hơn bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 09/2016/TT-BXD .
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật