Thu hồi đất nông nghiệp, trường hợp nào được hỗ trợ tìm việc?
Tại Khoản 1, Điều 20 Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định, “Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp quy định tại các Điểm a, b, c và d, Khoản 1, Điều 19 của Nghị định này (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân là cán bộ, công nhân viên của nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp) khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà được bồi thường bằng tiền thì ngoài việc được bồi thường bằng tiền đối với diện tích đất nông nghiệp thu hồi còn được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm”.
Theo Khoản 1, Điều 6 Thông tư 37/2014/TT-BTNMT, “Cán bộ, công chức, viên chức (đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp) không thuộc đối tượng quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 19 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP nhưng đang sử dụng đất nông nghiệp do nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật, khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường về đất nhưng không được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất, không được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm”.
Căn cứ các quy định nêu trên thì hộ gia đình là cán bộ, công chức, viên chức (kể cả giáo viên) đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp tại Bãi rác Ô Môn, TP. Cần Thơ không được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm.
Đối với trường hợp hộ gia đình vừa có nhân khẩu là cán bộ, công chức, viên chức vừa có nhân khẩu không phải là cán bộ, công chức, viên chức nhưng đang sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp thì nhân khẩu không phải là cán bộ, công chức, viên chức được hỗ trợ theo quy định tại Khoản 2, Điều 6 Thông tư 37/2014/TT-BTNMT.
Thư Viện Pháp Luật