Ngã xe trên đường đi làm về có phải là tai nạn lao động?

Cơ quan bảo hiểm có chi trả bồi thường tai nạn lao động nếu trên đường đi làm về tôi bị ngã xe máy khiến gãy tay không? Linh Đan

Điều 142 Bộ luật Lao động 2012 quy định: “Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kì bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động".

Theo điều 43 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp: 

- Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc

-  Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động

- Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.

2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 điều này.

Như vậy, nếu bị tai nạn trên tuyến đường “đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý” và suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì sẽ được hưởng chế độ tai nạn lao động.

Trong khoảng thời gian hợp lý có thể hiểu là khoảng thời gian cần thiết để đến nơi làm việc trước giờ làm việc hoặc trở về sau giờ làm việc. Tuyến đường hợp lý là tuyến đường thường xuyên đi và về từ nơi thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú đến nơi làm việc và ngược lại.

Như vậy, nếu gặp tai nạn thuộc các trường hợp nêu trên thì được coi là tai nạn lao động và được hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Nếu người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần; suy giảm 5% khả năng lao động được hưởng 5 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.

Ngoài ra, người lao động còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

Nếu người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng. Nếu suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở.

Ngoài ra, hằng tháng người lao động còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

Thời điểm hưởng trợ cấp được tính từ tháng người lao động điều trị xong, ra viện.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tai nạn lao động

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào