Có phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích chênh?
- Căn cứ Khoản 5, Điều 98 Luật Đất đai năm 2013 quy định về nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất:
“5. Trường hợp có sự chênh lệch diện tích giữa số liệu đo đạc thực tế với số liệu ghi trên giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này hoặc Giấy chứng nhận đã cấp mà ranh giới thửa đất đang sử dụng không thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề thì khi cấp hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất diện tích đất được xác định theo số liệu đo đạc thực tế. Người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích chênh lệch nhiều hơn nếu có.
Trường hợp đo đạc lại mà ranh giới thửa đất có thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất và diện tích đất đo đạc thực tế nhiều hơn diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất thì phần diện tích chênh lệch nhiều hơn (nếu có) được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Điều 99 của Luật này”.
Do thửa đất của ông có sự thay đổi về diện tích thửa đất nên Văn phòng đăng ký đất đai sẽ thực hiện trích lục địa chính có đo đạc chỉnh lý.
Việc thu phí trích lục bản đồ địa chính được Văn phòng Đăng ký đất đai và các Chi nhánh thực hiện theo quy định tại Quyết định 05/2015/QĐ-UBND ngày 5/3/2015 của UBND tỉnh Bình Dương về việc ban hành Bảng đơn giá đo đạc và bản đồ địa chính trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên:
a) Đối với các trường hợp thay đổi hiện trạng giao thông (có ý kiến xác nhận của UBND các xã, phường, thị trấn), phải tiến hành khảo sát để thực hiện phân vị trí phục vụ việc xác định nghĩa vụ tài chính. Việc thu phí trích lục bản đồ địa chính bao gồm: chi phí trích lục bản đồ địa chính theo quy định và tính thêm chi phí khảo sát, cụ thể:
- Phí trích lục đối với diện tích dưới 1ha: 232.815 đồng/hồ sơ (tính theo hồ sơ); Phí trích lục đối với diện tích trên 1ha đến 50ha: 197.389 đồng/ha (tính theo ha).
- Phí khảo sát: 232.340 đồng/công khảo sát (chỉ tính nếu có thay đổi hiện trạng giao thông).
b) Đối với các trường hợp thay đổi ranh giới thửa đất, hình thể thửa đất, chênh lệch (tăng, giảm) diện tích, tách thửa đất, thay đổi hiện trạng thửa đất. Việc thu phí trích lục bản đồ địa chính bao gồm chi phí đo đạc chỉnh lý, tuy nhiên mức phí này chỉ bằng 50% mức phí đo đạc theo quy định, cụ thể:
- Phí trích lục có đo đạc chỉnh lý đối với đất ngoài đô thị: Dao động từ 568.361 đồng đến 1.847.172 đồng/thửa (tùy theo diện tích).
- Phí trích lục có đo đạc chỉnh lý đối với đất đô thị: Dao động từ 851.201 đồng đến 2.766.403 đồng/thửa (tùy theo diện tích).
Như vậy, trong thời gian qua, Văn phòng Đăng ký đất đai đã thực hiện việc thu phí trích lục bản đồ địa chính đảm bảo quy định tại Quyết định 05/2015/QĐ-UBND nêu trên. Đối với các trường hợp thay đổi ranh giới thửa đất, hình thể thửa đất, chênh lệch (tăng, giảm) diện tích, tách thửa đất, thay đổi hiện trạng thửa đất, Văn phòng Đăng ký đất đai chỉ thu 50% đơn giá theo quy định tại Quyết định 05/2015/QĐ-UBND.
Về định hướng sắp tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai chỉ thực hiện trích lục đối với các trường hợp giao dịch bất động sản dựa trên nguồn cơ sở dữ liệu và bản đồ địa chính, hạn chế tối đa việc trích lục có đo đạc chỉnh lý, tránh gây khó khăn, phiền hà cho người dân khi đến thực hiện các thủ tục đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận.
Thư Viện Pháp Luật