Hành hạ thành viên trong gia đình xử phạt như thế nào?
Theo như tình huống đưa ra, hành vi vi phạm pháp luật của ông Nam diễn ra một cách có hệ thống, đã xảy ra nhiều lần, trong thời gian dài và xâm phạm đến những đối tượng khác nhau. Với tính chất vi phạm và đặc điểm nhân thân như vậy, việc xử lý nghiêm khắc đối với hành vi của ông Nam nhằm trừng trị đúng mức, tương xứng với tính chất vi phạm là cần thiết.
Để xác định hành vi của ông Nam phải áp dụng việc xử lý hành chính hay xử lý hình sự cần căn cứ vào quy định tại Điều 50 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình
“1. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân;
b) Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.”
Về tính chất vi phạm của ông Nam
Cần xác định hành vi vi phạm của ông Nam trong hai lần đối với vợ và con riêng của vợ là khác nhau, nhưng đều là thành viên trong gia đình. Theo hướng dẫn tại điểm 7.3 tiết 7 Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/9/2001 hướng dẫn áp dụng các quy định tại Chương XV “Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình” của Bộ luật Hình sự năm 1999, thì thành viên trong gia đình là ông bà (nội, ngoại), cha mẹ (cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế), vợ chồng, con cái (con trong giá thú, con ngoài giá thú, con nuôi, con dâu, con rể, con riêng), cháu (nội, ngoại), người có công nuôi dưỡng (anh, chị , em, cô, dì, chú, bác, bà con thân thích hoặc những người khác đã hoặc đang nuôi dưỡng). Do vậy, UBND xã cần xác định, hành vi hành hạ của ông Khần đối với vợ và con riêng của vợ thực chất đều xâm hại đến cùng một đối tượng là thành viên trong gia đình.
Tháng 01/2016, ông Nam có hành vi hành hạ con riêng của vợ, đến tháng 7/2016, ông Nam tiếp tục có hành vi hành hạ đối với vợ nên hành vi vi phạm hành chính trước đó chưa đủ thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính (chưa đủ một năm tính từ ngày thi hành xong quyết định xử phạt).
Với phân tích trên có thể khẳng định, hành vi của ông Nam đã đủ dấu hiệu cấu thành Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình theo quy định tại Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 1999. Do đó, việc UBND xã tiếp tục xử lý vi phạm hành chính đối với ông Nam là không phù hợp với quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, UBND xã phải huỷ quyết định xử phạt hành chính và chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội của ông Nam.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về quy định xử phạt đối với hành vi hành hạ thành viên trong gia đình. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 167/2013/NĐ-CP để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật