Cơ cấu lại thời hạn nợ và cho vay mới phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được quy định như thế nào?
Cơ cấu lại thời hạn nợ và cho vay mới phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được quy định tại Điều 12 Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn như sau:
- Trường hợp khách hàng chưa trả được nợ đúng hạn cho tổ chức tín dụng do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, tổ chức tín dụng xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng; đồng thời căn cứ vào tính khả thi của dự án, phương án sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ của khách hàng để xem xét cho vay mới nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, thực hiện trả được nợ cũ và nợ mới cho tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, Khoản 1 Điều 4 Thông tư 10/2015/TT-NHNN hướng dẫn quy định trên như sau:
+ Cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng. Việc giữ nguyên nhóm nợ khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ chỉ được thực hiện 01 (một) lần đối với một khoản nợ kể từ thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành;
+ Cho vay mới để phục hồi sản xuất kinh doanh đối với khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi.
- Trường hợp thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên phạm vi rộng, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) tổng hợp, đánh giá cụ thể thiệt hại để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính. Trên cơ sở báo cáo và đề nghị củaỦy ban nhân dân cấp tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức tín dụng được thực hiện khoanh nợ không tính lãi đối với dư nợ bị thiệt hại trong thời gian tối đa 02 (hai) năm và các khoản nợ khoanh được giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại trước khi thực hiện khoanh nợ. Số tiền lãi tổ chức tín dụng không thu được do đã thực hiện khoanh nợ cho khách hàng được ngân sách nhà nước cấp tương ứng.
Hồ sơ, trình tự, thủ tục khoanh nợ được hướng dẫn bởi Khoản 1 và 4 Điều 5 Thông tư 10/2015/TT-NHNN như sau:
Điều 5. Hồ sơ, trình tự thủ tục khoanh nợ, xóa nợ
1. Hồ sơ đề nghị khoanh nợ đối với trường hợp khách hàng bị thiệt hại về tài sản do thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên phạm vi rộng, cần xử lý khoanh nợ theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 55/2015/NĐ-CP bao gồm:
a) Giấy đề nghị khoanh nợ do khách hàng vay vốn lập;
b) Văn bản thông báo tình trạng thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh);
c) Phương án phục hồi sản xuất kinh doanh khả thi trong thời gian khoanh nợ, phương án trả nợ sau thời gian khoanh nợ do khách hàng lập và được tổ chức tín dụng cho vay thẩm định, chấp thuận;
d) Biên bản xác định thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên phạm vi rộng đối với đối tượng vay vốn, ghi rõ mức độ bị thiệt hại về tài sản trên tổng số vốn thực hiện dự án, phương án sản xuất kinh doanh đề nghị vay vốn và số vốn vay bị thiệt hại, có xác nhận của tổ chức tín dụng cho vay và xác nhận của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương, cụ thể:
...
đ) Bản sao hợp đồng tín dụng, khế ước vay vốn hoặc các giấy tờ nhận nợ khác có rút số dư nợ (gốc, lãi, tổng số) đến ngày đề nghị khoanh nợ có xác nhận của tổ chức tín dụng cho vay;
e) Các giấy tờ liên quan khác (nếu có).
...
4. Trình tự, thủ tục đề nghị khoanh nợ, xóa nợ
a) Lập hồ sơ đề nghị khoanh nợ, xóa nợ:
...
b) Tổ chức tín dụng cho vay tập hợp hồ sơ và số liệu chi tiết đề nghị khoanh nợ, xóa nợ theo từng chi nhánh của tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, thành phố theo Mẫu biểu số 01 đính kèm Thông tư này, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước chi nhánh);
c) Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tổng hợp số liệu khoanh nợ, xóa nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao cơ quan tài chính địa phương cùng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh để tiến hành kiểm tra, xác nhận về hồ sơ, số liệu chi tiết đề nghị khoanh nợ, xóa nợ của tổ chức tín dụng theo Mẫu biểu số 02 đính kèm Thông tư này;
d) Ngân hàng Nhà nước chi nhánh chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính địa phương đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
...
đ) Tổ chức tín dụng tổng hợp số liệu toàn hệ thống đề nghị khoanh nợ, xóa nợ gửi Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính theo Mẫu biểu số 04 đính kèm Thông tư này;
e) Trên cơ sở báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Trường hợp cần thiết, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện phúc tra hồ sơ, số liệu đề nghị khoanh nợ, xóa nợ tại các tổ chức tín dụng;
g) Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản thông báo cho tổ chức tín dụng, đồng gửi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại các địa phương thuộc đối tượng khoanh nợ, xóa nợ;
h) Tổ chức tín dụng quyết định việc thực hiện khoanh nợ, xóa nợ cho khách hàng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và văn bản thông báo của Ngân hàng Nhà nước.
Trên đây là quy định về Cơ cấu lại thời hạn nợ và cho vay mới phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Để hiểu rõ hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật