Nguyên tắc lập và trình bày BCTC khi chia tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp được quy định như thế nào?
Nguyên tắc lập và trình bày BCTC khi chia tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp được hướng dẫn cụ thể tại Điều 77 Thông tư 133/2016/TT-BTC hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo đó:
1. Đơn vị kế toán bị chia, bị tách, hợp nhất thành đơn vị kế toán mới phải thực hiện các công việc kế toán theo quy định của Luật kế toán. Đơn vị kế toán mới thực hiện công việc kế toán cho kỳ kế toán đầu tiên theo nguyên tắc sau:
- Đối với sổ kế toán phản ánh tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu: Toàn bộ tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của đơn vị kế toán bị chia, bị tách, hợp nhất chuyển sang được ghi nhận là số phát sinh của đơn vị kế toán mới.
- Đối với Báo cáo tình hình tài chính: Cột “Số đầu năm” của đơn vị kế toán mới không có số liệu và phải trình bày rõ vấn đề này trong thuyết minh báo cáo tài chính.
- Đối với Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ: Chỉ trình bày số liệu kể từ thời điểm bị chia, bị tách, hợp nhất đến cuối kỳ báo cáo vào cột “Kỳ này”. Cột “Kỳ trước” không có số liệu và phải trình bày rõ vấn đề này trong thuyết minh báo cáo tài chính.
2. Khi sáp nhập đơn vị kế toán thì đơn vị kế toán nhận sáp nhập phải thực hiện các công việc kế toán theo quy định của Luật kế toán. Đơn vị kế toán nhận sáp nhập thực hiện công việc kế toán theo nguyên tắc:
- Đối với sổ kế toán phản ánh tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu: Toàn bộ tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu trên sổ kế toán của đơn vị kế toán bị sáp nhập được ghi nhận là số phát sinh trong kỳ của đơn vị nhận sáp nhập. Số dư đầu kỳ của đơn vị kế toán nhận sáp nhập vẫn giữ nguyên.
- Đối với Báo cáo tình hình tài chính: Toàn bộ tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của đơn vị kế toán bị sáp nhập chuyển sang được tổng hợp và trình bày trong cột “Số cuối năm” của đơn vị kế toán nhận sáp nhập. Cột “Số đầu năm” của đơn vị kế toán nhận sáp nhập vẫn giữ nguyên.
- Đối với Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ: Toàn bộ số liệu trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ của đơn vị bị sáp nhập được tổng hợp trong cột “Kỳ này” của đơn vị nhận sáp nhập và phải thuyết minh trong Bản thuyết minh báo cáo tài chính.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về những nguyên tắc doanh nghiệp cần lưu ý và tuân theo khi lập BCTC trong trường hợp khi chia tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp. Nếu muốn tìm hiểu rõ hơn, bạn có thể tham khảo quy định tại Thông tư 133/2016/TT-BTC
Trân trọng.
Thư Viện Pháp Luật