Làm cách nào để không bị phạt xe không chính chủ?
Theo quy định tại điều 30 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt:
Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô".
Theo quy định, chế định xử phạt trên không đặt ra khi cá nhân mượn xe hợp pháp của người khác để sử dụng. Vì vậy, việc các thành viên trong gia đình sử dụng chung tài sản là xe gắn máy hay việc mượn xe của người khác để lưu thông là hoàn toàn hợp lệ vì đây không phải là tài sản "được mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản" nên không bắt buộc xe phải chính chủ.
Ngoài ra, việc chứng minh cá nhân có thuộc đối tượng sở hữu tài sản dưới hình thức "được mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản" và phải làm thủ tục sang tên xe là nghĩa vụ của Cơ quan cảnh sát giao thông chứ không phải của người sử dụng xe. Và cảnh sát giao thông cũng chỉ có quyền xử phạt kết hợp khi bạn vi phạm với lỗi khác chứ không thể tự ý dừng xe để kiểm tra về việc xe có chính chủ hay không.
Do đó, để đảm bảo hợp lệ trong trường hợp xe đi mượn của người có quen biết với mình, bạn cần mang theo giấy tờ đầy đủ của xe như đăng ký xe, bảo hiểm xe thì có thể lưu thông bình thường. Tất nhiên, nếu Cảnh sát giao thông chứng minh được người có tên trên đăng ký xe và bạn không hề có quan hệ quen biết thì bạn có thể sẽ bị xử phạt theo quy định trên.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc: "Làm cách nào để không bị phạt xe không chính chủ?". Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 46/2016/NĐ-CP để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật