Bị xâm hại quyền hình ảnh trên Facebook, Bộ luật Dân sự 2015 bảo vệ thế nào?
Hình ảnh cá nhân, được Hiến pháp bảo vệ, tại Bộ Luật dân sự đã có một điều quy định chi tiết về vấn đề này.
Ngay tại khoản 1 điều 31 Bộ Luật Dân sự 2005, đang có hiệu lực, và khoản 1 điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, đã khẳng định rõ: "Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình".
Bộ luật Dân sự 2015 khẳng định rõ hơn: "Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác".
Chỉ trừ những trường hợp sau việc sử dụng hình ảnh này không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ. Đó là, hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng. Hoặc, hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Như vậy, với quy định rõ ràng hơn, chặt chẽ hơn, quyền hình ảnh của công dân sẽ được Bộ luật Dân sự 2015 bảo vệ tốt hơn. Mọi sự xâm hại đến hình ảnh cá nhân trái quy định của pháp luật, người dân có quyền khởi kiện các tổ chức, cá nhân tài Toàn án.
Thư Viện Pháp Luật