Tham gia giao thông khi thấy đèn vàng
Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định mức phạt từ 300.000 đồng đến 2 triệu đồng đối với trường hợp người điều khiển ô tô, mô tô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. Để làm rõ thế nào là không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, cần xem lại Khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008, tín hiệu đèn giao thông có ba màu, quy định như sau: a) Tín hiệu xanh là được đi; b) Tín hiệu đỏ là cấm đi; c) Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.
Nhằm giải thích rõ hơn điều này, mới đây Bộ Giao thông - Vận tải đã ban hành Thông tư 06/2016/TT-BGTVT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ. Khoản 10.3 ý nghĩa của đèn tín hiệu nêu: Tín hiệu xanh: Cho phép đi; Tín hiệu vàng: Báo hiệu sự thay đổi tín hiệu của đèn từ xanh sang đỏ. Tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn “Vạch dừng xe”. Nếu không có vạch sơn “vạch dừng xe”, thì phải dừng phía trước đèn tín hiệu theo chiều đi. Trường hợp phương tiện đã tiến sát đến hoặc đã vượt quá vạch sơn “vạch dừng xe”, nếu dừng lại sẽ nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau. Tín hiệu vàng nhấp nháy: Báo hiệu được đi nhưng phải chú ý và thận trọng quan sát, nhường đường cho người đi bộ sang đường hoặc các phương tiện khác theo quy định của Luật Giao thông đường bộ. Tín hiệu đỏ: Báo hiệu phải dừng lại trước vạch dừng xe. Nếu không có vạch sơn “vạch dừng xe” thì phải dừng trước đèn tín hiệu theo chiều đi.
Nắm chắc quy định nêu trên, khi tham gia giao thông bạn không còn băn khoăn trước mỗi quyết định vượt hay dừng trước đèn vàng.
Thư Viện Pháp Luật