Giá trị pháp lý của di chúc khi Văn phòng Công chứng chấm dứt hoạt động
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Theo quy định tại Điều 649 Bộ luật Dân sự 2005 thì: “Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Người thuộc dân tộc thiểu số có quyền lập di chúc bằng chữ viết hoặc tiếng nói của dân tộc mình”.
Di chúc lập thành văn bản bao gồm: Di chúc không có người làm chứng; di chúc có người làm chứng; di chúc được công chứng và di chúc được chứng thực.
Theo quy định của pháp luật thì việc công chứng di chúc được thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng. Tại Khoản 5 Điều 2 Luật Công chứng 2014, thì tổ chức hành nghề công chứng bao gồm: Phòng Công chứng và Văn phòng Công chứng. Giá trị pháp lý của di chúc được công chứng tại Phòng Công chứng nhà nước hay Văn phòng Công chứng tư nhân là như nhau.
Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng. Điều này có nghĩa rằng khi Văn phòng Công chứng chấm dứt hoạt động thì không ảnh hưởng đến hiệu lực của văn bản đã được công chứng.
Theo quy định tại Khoản 4, Điều 54 Luật Công chứng 2014 thì: “Trong trường hợp Văn phòng Công chứng chấm dứt hoạt động thì Văn phòng Công chứng đó phải thỏa thuận với một Văn phòng Công chứng khác về việc tiếp nhận hồ sơ công chứng; nếu không thỏa thuận được thì báo cáo Sở Tư pháp chỉ định một Phòng Công chứng hoặc một Văn phòng Công chứng khác tiếp nhận hồ sơ công chứng”. Theo đó, khi Văn phòng Công chứng chấm dứt hoạt động thì sẽ có Văn phòng Công chứng hoặc Phòng Công chứng khác tiếp nhận hồ sơ theo thỏa thuận hoặc theo chỉ định của Sở Tư pháp.
Như vậy, bạn có thể lựa chọn bất kỳ tổ chức hành nghề công chứng nào để công chứng di chúc và hoàn toàn yên tâm về giá trị pháp lý của di chúc này.
Thư Viện Pháp Luật