Buộc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán quy định thế nào?
Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán trong trường hợp bị buộc thu hồi được quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 5 Thông tư 105/2016/TT-BTC hướng dẫn hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của tổ chức kinh doanh chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán và doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm như sau:
4. Tổ chức kinh doanh chứng khoán bị buộc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài trong các trường hợp sau:
a) Không còn đáp ứng quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 135/2015/NĐ-CP. Trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày hết thời hạn khắc phục theo quy định của pháp luật hiện hành mà tổ chức kinh doanh chứng khoán vẫn không đáp ứng quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 14 Nghị định số135/2015/NĐ-CP, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, đồng thời gửi quyết định đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
b) Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài có thông tin sai sự thật, hoặc không duy trì Điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật hiện hành, hoặc trở thành đối tượng quy định tại Khoản 4 Điều 2 Nghị định số 135/2015/NĐ-CP. Trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày tổ chức kinh doanh chứng khoán bị buộc thu hồi, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, đồng thời gửi quyết định đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
5. Kể từ khi Quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài có hiệu lực, tổ chức kinh doanh chứng khoán có trách nhiệm:
a) Công bố thông tin trong thời hạn hai mươi bốn (24) giờ trên trang thông tin điện tử của mình về quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài;
b) Không được đầu tư thêm các Khoản đầu tư gián tiếp ra nước ngoài; không gia hạn các Khoản đầu tư gián tiếp ra nước ngoài đã thực hiện;
c) Tất toán toàn bộ các Khoản đầu tư gián tiếp ra nước ngoài (bao gồm cả các quyền, lợi ích phát sinh liên quan đến Khoản đầu tư ở nước ngoài);
d) Đối với các Khoản đầu tư chưa tất toán xong, tổ chức kinh doanh chứng khoán báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hàng tháng về tình hình tất toán theo mẫu quy định tại Phụ lục số 09, Phụ lục số 10 ban hành kèm theo Thông tư này cho đến khi tất toán xong các Khoản đầu tư.
Trên đây là quy định về trường hợp buộc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán. Để hiểu rõ hơn bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 105/2016/TT-BTC.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật