Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh được quy định như thế nào?
Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh đã được quy định cụ thể tại Điều 10 Nghị định 26/2014/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng.
Theo đó, Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Xây dựng kế hoạch thanh tra hằng năm trình Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh phê duyệt; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra, chương trình công tác thuộc trách nhiệm của Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh.
2. Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh.
3. Thanh tra đối với các đối tượng thanh tra ngân hàng trong phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh được giao.
4. Thanh tra vụ việc khác do Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng hoặc Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh giao.
5. Giám sát các đối tượng giám sát ngân hàng trong phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh được giao và theo quy định của pháp luật.
6. Áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị, đề xuất cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, xử lý vi phạm đối với đối tượng thanh tra ngân hàng, đối tượng giám sát ngân hàng theo quy định của pháp luật.
7. Chấp hành sự chỉ đạo, hướng dẫn của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng về công tác, nghiệp vụ thanh tra hành chính, thanh tra, giám sát ngân hàng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố.
8. Tham mưu, giúp Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến cấp phép quy định tại Điều 30 Nghị định này theo phân cấp, ủy quyền của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
9. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, giám sát của Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh và Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh.
10. Thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
11. Thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
12. Tham mưu, giúp Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tổng hợp, báo cáo kết quả về công tác thanh tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh được giao.
13. Thực hiện báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.
14. Tổ chức việc tập huấn nghiệp vụ thanh tra, giám sát cho thanh tra viên ngân hàng, công chức khác thuộc Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh.
15. Tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác thanh tra, giám sát trong phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh được giao.
16. Thực hiện nhiệm vụ về phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật hoặc do Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh giao.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh. Nếu muốn tìm hiểu rõ hơn, bạn có thể tham khảo quy định tại Nghị định 26/2014/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật