Đại diện quản lý tài sản khi chồng bị mất năng lực hành vi dân sự

Bố, mẹ tôi đứng tên sở hữu mảnh đất sổ đỏ, năm 2015, bố mẹ tôi ký giấy ủy quyền cho chị gái tôi thế chấp sổ đỏ để vay ngân hàng, thời hạn ủy quyền là 1 năm kể từ ngày ủy quyền. Không may bố tôi bị tai biến và mất hành vi nhân sự. Vậy trong trường hợp này một mình mẹ tôi có đủ thẩm quyền ký các giấy tờ với ngân hàng để rút sổ đỏ về hay không? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

Với việc đại diện theo pháp luật của mẹ bạn. Căn cứ Điều 24 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định căn cứ xác lập đại diện giữa vợ và chồng như sau:

1. Việc đại diện giữa vợ và chồng trong xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch được xác định theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014, Bộ luật dân sự 2005 và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014, Bộ luật dân sự 2005 và các luật khác có liên quan phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng.

3. Vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên kia được Tòa án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người đó, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật thì người đó phải tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ có liên quan.

Trong trường hợp một bên vợ, chồng mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì căn cứ vào quy định về giám hộ trong Bộ luật dân sự, Tòa án chỉ định người khác đại diện cho người bị mất năng lực hành vi dân sự để giải quyết việc ly hôn.

Mặt khác, điều kiện xác nhận một người bị mất năng lực hành vi dân sự theo khoản 1 Điều 22 Bộ luật dân sự 2005:

1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định.

Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

Như vậy, trong trường hợp này của bố bạn, nếu có căn cứ bố bạn bị mất năng lực hành vi dân sự và phải có bản án, quyết định của Tòa án công nhận thì mẹ bạn có thể làm người đại diện theo pháp luật của bố bạn và có thể thực hiện các giao dịch liên quan đến ngân hàng. Nếu không có căn cứ nêu trên thì một mình mẹ bạn không thế ký kết các giấy tờ để rút sổ đỏ với ngân hàng. 

Ngoài ra, bạn có  thể xem xét lại phạm vi mà bố mẹ bạn đã ủy quyền cho chị gái bạn. Nếu nội dung trong giấy ủy quyền có nội dung xác nhận chị bạn có thể tham gia các giao dịch để rút sổ đỏ bên ngân hàng thì chị bạn có thể thực hiện giao dịch này căn cứ theo khoản 1 Điều 142, khoản 2 Điều 144 Bộ luật dân sự 2005:

 Đại diện theo ủy quyền là đại diện được xác lập theo sự ủy quyền giữa người đại diện và người được đại diện.

 Phạm vi đại diện theo ủy quyền được xác lập theo sự ủy quyền.

Việc đại diện theo ủy quyền chấm dứt trong các trường hợp theo khoản 2 Điều 147 Bộ luật dân sự 2005 sau:

a) Thời hạn ủy quyền đã hết hoặc công việc được ủy quyền đã hoàn thành;

b) Người ủy quyền hủy bỏ việc ủy quyền hoặc người được ủy quyền từ chối việc ủy quyền;

c) Người ủy quyền hoặc người được ủy quyền chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.

Như vậy, nếu như rơi vào một trong các trường hợp về hết thời hạn ủy quyền, công việc ủy quyền đã hoàn thành... thì lúc này chị bạn mới không thể thực hiện công việc theo ủy quyền được nữa. Còn nếu không rơi vào các trường hợp trên và trong giấy ủy quyền có quy định thì chị bạn có thể thực hiện các giao dịch để rút sổ đỏ ra cho bố mẹ bạn. 

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc đại diện quản lý tài sản khi chồng bị mất năng lực hành vi dân sự. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật hôn nhân và gia đình 2014 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào