Độ tuổi cấp chứng minh nhân dân và đăng ký xe theo pháp luật hiện hành
Theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định 05/1999/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chứng minh dân nhân:
Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên, đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam (sau đây gọi tắt là công dân) có nghĩa vụ đến cơ quan công an nơi đăng ký hộ khẩu thường trú làm thủ tục cấp Chứng minh nhân dân.
Đồng thời, Điểm e Khoản 1 Điều 3 Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt: Xe đạp máy là xe thô sơ hai bánh có lắp động cơ, vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25 km/h và khi tắt máy thì đạp xe đi được (kể cả xe đạp điện)
Điều 7 Thông tư 15/2014/TT-BCA của Bộ Công an quy định về đăng ký xe thì:
Hồ sơ đăng ký xe gồm:
- Giấy khai đăng ký xe.
- Giấy tờ của chủ xe.
- Giấy tờ của xe.
Như vậy, trong trường hợp của anh nếu con trai anh đủ 14 tuổi sẽ được cấp giấy Chứng minh nhân dân theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 05/1999/NĐ-CP. Theo đó, con anh hoàn toàn có đủ điều kiện để đăng ký xe, bởi theo quy định tại Điều 7 Thông tư 15/2014/TT-BCA thì hồ sơ đăng ký xe gồm: Giấy khai đăng ký xe, Giấy tờ của chủ xe (Giấy chứng minh nhân dân – điểm a khoản 1 Điều 9 Thông tư 15/2014/TT-BCA). Tuy nhiên, hiện nay theo quy định của pháp luật hiện hành về lĩnh vực giao thông đường bộ thì đối với xe đạp điện không cần phải thực hiện việc đăng ký. Bởi theo quy định tại điềm e khoản 1 Điều 3 Nghị định 46/2016/NĐ-CP thì xe đạp điện được ghi nhận là một phương tiện thô sơ. Không chỉ vậy, theo nội dung tại Điều 1 Thông tư 15/2014/TT-BCA quy định phạm vi áp dụng của Thông tư này không hề ghi nhận việc đăng ký, cấp biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đối với xe đạp điện. Chính vì vậy, anh không cần phải thực hiện việc đăng ký xe đạp điện cho con trai của anh.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về độ tuổi cấp chứng minh nhân dân và đăng ký xe theo pháp luật hiện hành. Bạn nên tham khảo chi tiết Thông tư 15/2014/TT-BCA để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật