Cơ sở, nguyên tắc nào xác định số tiền phí, lệ phí hàng hải?
Cơ sở, nguyên tắc xác định số tiền phí, lệ phí hàng hải được quy định tại Điều 6 Thông tư 01/2016/TT-BTC quy định về phí, lệ phí hàng hải và biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải như sau:
1. Dung tích toàn phần - Gross Tonnage (GT): là một trong các đơn vị cơ sở để tính phí, lệ phí hàng hải, trong đó:
a) Đối với tàu thuyền chở hàng lỏng (LIQUID CARGO TANKERS), dung tích toàn phần tính bằng 85% GT lớn nhất ghi trong giấy chứng nhận của cơ quan đăng kiểm không phân biệt tàu có hay không có các két nước dằn phân ly.
b) Đối với tàu thuyền chở khách, tính bằng 50% GT lớn nhất ghi trong giấy chứng nhận của cơ quan đăng kiểm.
c) Tàu thuyền không ghi GT, được quy đổi như sau:
- Tàu biển và phương tiện thuỷ nội địa tự hành quy đổi 1,5 tấn trọng tải tính bằng 01 GT;
- Sà lan quy đổi 01 tấn trọng tải toàn phần tính bằng 01 GT;
- Tàu kéo, tàu đẩy, tàu chở khách (kể cả thuỷ phi cơ) và cẩu nổi: 01 mã lực (HP, CV) tính bằng 0,5 GT; 01 KW tính bằng 0,7 GT; 01 tấn sức nâng của cẩu đặt trên tàu thuyền quy đổi tương đương 06 GT;
- Tàu thuyền chở khách không ghi công suất máy, quy đổi 01 ghế ngồi dành cho hành khách tính bằng 0,67 GT; 01 giường nằm tính bằng 4 GT.
- Trường hợp tàu thuyền là đoàn lai kéo, lai đẩy hoặc lai cập mạn tính bằng tổng dung tích của cả đoàn bao gồm sà lan, đầu kéo hoặc đầu đẩy.
Đối với việc quy đổi theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này được chọn phương thức quy đổi có dung tích GT lớn nhất.
2. Đơn vị tính công suất máy: Công suất máy chính của tàu thuyền được tính theo HP, CV hoặc KW; phần lẻ dưới 01 HP hoặc 01 KW, tính tròn 01 HP, 01 CV hoặc 01 KW.
3. Đơn vị thời gian:
a) Đối với đơn vị thời gian là ngày: 01 ngày tính là 24 giờ; phần lẻ của ngày từ 12 giờ trở xuống tính bằng 1/2 ngày, trên 12 giờ tính bằng 01 ngày;
b) Đối với đơn vị thời gian là giờ: 01 giờ tính bằng 60 phút; phần lẻ từ 30 phút trở xuống tính bằng 1/2 giờ, trên 30 phút tính bằng 01 giờ.
4. Đơn vị khối lượng hàng hoá (kể cả bao bì): là tấn hoặc mét khối (m3); Phần lẻ dưới 0,5 tấn hoặc 0,5 m3 không tính, từ 0,5 tấn hoặc 0,5 m3 trở lên tính 01 tấn hoặc 01 m3. Trong một vận đơn lẻ, khối lượng tối thiểu để tính phí là 01 tấn hoặc 01 m3. Với loại hàng hoá mỗi tấn chiếm từ 02 m3 trở lên thì cứ 02 m3tính bằng 01 tấn.
5. Khoảng cách tính phí: là hải lý (HL); phần lẻ chưa đủ 01 HL tính là 01 HL.
6. Đơn vị tính phí cầu bến đối với tàu thuyền là mét (m) cầu bến, phần lẻ chưa đủ 01 m tính bằng 01 m.
7. Đồng tiền thu, nộp phí, lệ phí hàng hải:
a) Đối với hoạt động hàng hải quốc tế: Đồng tiền thu phí, lệ phí hàng hải là đồng Đô la Mỹ (USD) hoặc đồng Việt Nam (đồng);
b) Đối với hoạt động hàng hải nội địa: Đồng tiền thu phí, lệ phí hàng hải là Đồng Việt Nam;
c) Trường hợp khi nộp phí, lệ phí hàng hải chuyển đổi từ đồng Đô la Mỹ sang Đồng tiền Việt Nam thì quy đổi theo tỷ giá giao dịch mua chuyển khoản do Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam công bố tại thời điểm nộp phí, lệ phí.
8. Trường hợp tàu thuyền nhận, trả hàng xuất nhập khẩu tại nhiều khu vực hàng hải đồng thời có kết hợp nhận, trả hàng nội địa thì được coi là hoạt động vận tải quốc tế và áp dụng theo Biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải đối với hoạt động hàng hải quốc tế tính cho từng lượt vào, rời cảng. Riêng khối lượng hàng hoá vận tải nội địa không thu phí neo đậu đối với hàng hoá.
9. Tàu thuyền mỗi lượt vào hoặc rời cảng đồng thời có nhiều mức thu khác nhau thì chỉ được áp dụng một mức thu thấp nhất tính cho một lượt vào hoặc rời tương ứng.
10. Tàu thuyền (trừ tàu thuyền quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13 của Thông tư này) hoạt động trong một khu vực hàng hải có làm thủ tục vào, rời khu vực hàng hải một lần chỉ phải nộp phí trọng tải, phí bảo đảm hàng hải và lệ phí ra, vào cảng biển một lần.
Trên đây là quy định về Cơ sở, nguyên tắc nào xác định số tiền phí, lệ phí hàng hải. Để hiểu rõ hơn bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 01/2016/TT-BTC.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật