Thẩm quyền thẩm định dự án xây dựng, thẩm định thiết kế cơ sở được quy định như thế nào?
Việc thẩm quyền thẩm định dự án xây dựng, thẩm định thiết kế cơ sở đã được quy định cụ thể tại Điều 10 Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Theo đó, việc thẩm quyền thẩm định dự án xây dựng, thẩm định thiết kế cơ sở được quy định như sau:
1. Đối với dự án quan trọng quốc gia: Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định riêng của pháp luật.
2. Đối với dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước:
a) Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định tại Điều 76 Nghị định này chủ trì thẩm định các nội dung quy định tại Điều 58 của Luật Xây dựng năm 2014 đối với dự án nhóm A, dự án từ nhóm B trở xuống do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội quyết định đầu tư. Đối với các dự án do Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành tổ chức thẩm định thì cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc các Bộ này thực hiện việc thẩm định;
b) Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định tại Điều 76 Nghị định này chủ trì thẩm định đối với các nội dung quy định tại Điều 58 của Luật Xây dựng năm 2014 của các dự án quy mô từ nhóm B trở xuống được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính của tỉnh, trừ các dự án quy định tại Điểm a, Điểm c Khoản này;
c) Theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng có chức năng quản lý xây dựng thuộc Ủy bannhân dân cấp huyện chủ trì thẩm định dự án có yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng do Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã quyết định đầu tư.
3. Đối với dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách:
a) Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định tại Điều 76 Nghị định này chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở với các nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 58 của Luật Xây dựng năm 2014 (trừ phần thiết kế công nghệ) của dự án nhóm A; dự án quy mô từ nhóm B trở xuống do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quyết định đầu tư. Đối với các dự án do Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành tổ chức thẩm định thì cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc các Bộ này thực hiện việc thẩm định thiết kế cơ sở của dự án;
b) Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành quy định tại Điều 76 Nghị định này chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở với các nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 58 của Luật Xây dựng năm 2014 (trừ phần thiết kế công nghệ) của dự án quy mô từ nhóm B trở xuống được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính của tỉnh, trừ các dự án quy định tại Điểm a, Điểm c Khoản này;
c) Theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng có chức năng quản lý xây dựng thuộc Ủy bannhân dân cấp huyện chủ trì thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng (trừ phần thiết kế công nghệ) đối với dự án có yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng do Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã quyết định đầu tư;
d) Cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư chủ trì tổ chức thẩm định thiết kế công nghệ (nếu có), các nội dung khác của Báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định tại Điều 58 của Luật Xây dựng năm 2014 và tổng hợp kết quả thẩm định, trình phê duyệt dự án; chủ trì tổ chức thẩm định dự án sửa chữa, cải tạo, bảo trì và nâng cấp có tổng mức đầu tư dưới 5 (năm) tỷ đồng.
4. Đối với dự án PPP, cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định tại Khoản 3 Điều này chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở với các nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 58 Luật Xây dựng năm 2014 (trừ phần thiết kế công nghệ); góp ý kiến về việc áp dụng đơn giá, định mức, đánh giá giải pháp thiết kế về tiết kiệm chi phí xây dựng công trình của dự án; đơn vị đầu mối quản lý về hoạt động PPP thuộc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng dự án chủ trì thẩm định các nội dung khác của Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế công nghệ (nếu có) và tổng hợp kết quả thẩm định thiết kế cơ sở do cơ quan chuyên môn về xây dựng thực hiện, trình phê duyệt dự án.
5. Đối với dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn khác:
a) Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định tại Điều 76 Nghị định này chủ trì tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở với các nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 58 của Luật Xây dựng năm 2014 (trừ phần thiết kế công nghệ) của dự án đầu tư xây dựng công trình cấp đặc biệt, cấp I;
b) Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành quy định tại Điều 76 Nghị định này chủ trì tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở với các nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 58 của Luật Xây dựng năm 2014 (trừ phần thiết kế công nghệ) của dự án đầu tư xây dựng công trình công cộng, công trình có ảnh hưởng lớn đến cảnh quan, môi trường và an toàn của cộng đồng đối với công trình từ cấp II trở xuống được xây dựng trên địa bàn hành chính của tỉnh;
c) Người quyết định đầu tư tổ chức thẩm định toàn bộ nội dung dự án theo quy định tại Điều 58 của Luật Xây dựng năm 2014, trừ các nội dung thẩm định thiết kế cơ sở do cơ quan chuyên môn về xây dựng thực hiện được quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này.
6. Cơ quan chủ trì thẩm định dự án, thẩm định thiết kế cơ sở có trách nhiệm lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức liên quan về các nội dung của dự án. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm góp ý kiến bằng văn bản trong thời hạn quy định về các nội dung của thiết kế cơ sở; phòng chống cháy, nổ; bảo vệ môi trường; sử dụng đất đai, tài nguyên, kết nối hạ tầng kỹ thuật và các nội dung cần thiết khác.
7. Trong quá trình thẩm định, cơ quan chủ trì thẩm định có trách nhiệm tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế công nghệ và các nội dung khác của dự án, cụ thể như sau:
a) Cơ quan chủ trì thẩm định được mời tổ chức, cá nhân có chuyên môn, kinh nghiệm tham gia thẩm định từng phần dự án, từng phần thiết kế cơ sở, thiết kế công nghệ và các nội dung khác của dự án;
b) Trường hợp không đủ điều kiện thực hiện công tác thẩm định, cơ quan chuyên môn về xây dựng, người quyết định đầu tư được yêu cầu chủ đầu tư lựa chọn trực tiếp tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực phù hợp đã đăng ký công khai thông tin năng lực hoạt động xây dựng trên Trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng để chủ đầu tư ký kết hợp đồng thẩm tra phục vụ công tác thẩm định. Trường hợp tổ chức, cá nhân tư vấn thẩm tra chưa đăng ký công khai thông tin năng lực hoạt động xây dựng trên Trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng thì phải được cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng chấp thuận bằng văn bản. Tổ chức tư vấn lập dự án không được thực hiện thẩm tra dự án do mình lập.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc thẩm quyền thẩm định dự án xây dựng, thẩm định thiết kế cơ sở. Nếu muốn tìm hiểu rõ hơn, bạn có thể tham khảo quy định tại Nghị định 59/2015/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật