Thẩm quyền thu hồi tài sản nhà nước được quy định như thế nào?
Thẩm quyền thu hồi tài sản nhà nước được quy định tại Điều 13 Nghị định 52/2009/NĐ-CP Hướng dẫn Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước như sau:
1. Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định thu hồi đối với các loại tài sản nhà nước sau đây:
a) Trụ sở làm việc, tài sản khác gắn liền với đất (bao gồm cả quyền sử dụng đất) của các cơ quan nhà nước thuộc trung ương quản lý;
b) Tài sản không phải là trụ sở làm việc và tài sản khác gắn liền với đất của các cơ quan nhà nước thuộc trung ương quản lý phải thu hồi nhưng Bộ, cơ quan trung ương không thu hồi;
c) Trụ sở làm việc, tài sản khác gắn liền với đất (bao gồm cả quyền sử dụng đất) của cơ quan nhà nước thuộc địa phương quản lý phải thu hồi nhưng địa phương không thu hồi.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định thu hồi đối với tài sản không phải là trụ sở làm việc và tài sản khác gắn liền với đất của các cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý.
3. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền quyết định thu hồi tài sản nhà nước của các cơ quan nhà nước thuộc địa phương quản lý.
4. Thẩm quyền thu hồi quyền sử dụng đất được giao để thực hiện dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc mà tiến độ sử dụng đất bị chậm phải thu hồi thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
5. Trong trường hợp phát hiện tài sản nhà nước của cơ quan nhà nước thuộc trung ương quản lý đặt tại địa phương bị sử dụng sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức, chế độ do Nhà nước quy định, cho thuê hoặc thực hiện các hoạt động kinh doanh khác, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiến nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định thu hồi theo thẩm quyền quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Trên đây là quy định về Thẩm quyền thu hồi tài sản nhà nước. Để hiểu rõ hơn bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 52/2009/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật