Trách nhiệm của cơ quan cấp bảo lãnh và người được bảo lãnh chính phủ

Trách nhiệm của cơ quan cấp bảo lãnh và người được bảo lãnh chính phủ được quy định như thế nào? Bạn đọc Hoàng Danh Nguyễn, địa chỉ mail Nguyenhoang****@gmail.com hỏi: Chào mọi người, em có một vấn đề hi vọng được các anh chị trong Thư ký luật giải đáp. Em hiện đang làm việc trong một doanh nghiệp nhà nước, bộ phận tài chính. Do yêu cầu của công việc nên hiện tại em đang tìm hiểu một số quy định về bảo lãnh chính phủ. Em muốn hỏi: Trách nhiệm của cơ quan cấp bảo lãnh và người được bảo lãnh chính phủ được quy định như thế nào? Do văn bản nào quy định? Em cảm ơn!

Trách nhiệm của cơ quan cấp bảo lãnh và người được bảo lãnh chính phủ được quy định tại Điều 36 Luật Quản lý nợ công 2009, theo đó:

1. Bộ Tài chính là cơ quan cấp bảo lãnh có trách nhiệm:

a) Thẩm định phương án tài chính, điều kiện cấp bảo lãnh theo hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh cho các chương trình, dự án cụ thể trình Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định;

b) Tham gia đàm phán về điều kiện vay, thỏa thuận vay và chủ trì đàm phán về nội dung thư bảo lãnh;

c) Kiểm tra kết quả hoạt động kinh doanh, sử dụng vốn vay nước ngoài để đánh giá khả năng trả nợ của người được bảo lãnh; kiến nghị biện pháp, chế tài xử lý trong trường hợp người được bảo lãnh gặp khó khăn về trả nợ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định;

d) Thực hiện nghĩa vụ thanh toán của người bảo lãnh phát sinh theo thỏa thuận bảo lãnh từ nguồn Quỹ tích luỹ trả nợ trong trường hợp người được bảo lãnh không trả được nợ;

đ) Thu phí bảo lãnh chính phủ theo quy định của pháp luật;

e) Áp dụng các biện pháp, chế tài cần thiết theo quy định của pháp luật để thu hồi nợ và các chi phí phát sinh từ việc trả nợ thay người được bảo lãnh;

g) Tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền về các khoản bảo lãnh đã được phát hành.

2. Trách nhiệm của người được bảo lãnh:

a) Cung cấp cho cơ quan cấp bảo lãnh các tài liệu liên quan để thẩm định;

b) Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người được bảo lãnh đối với cơ quan cấp bảo lãnh. Trường hợp không trả được nợ đầy đủ, đúng hạn thì phải chấp hành các biện pháp, chế tài mà cơ quan cấp bảo lãnh áp dụng; chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật nếu không trả được nợ;

c) Cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan cấp bảo lãnh về tình hình thực hiện chương trình, dự án và khả năng thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo thỏa thuận vay;

d) Báo cáo kịp thời về nguy cơ vi phạm cam kết bảo lãnh;

đ) Nộp phí bảo lãnh đầy đủ và đúng hạn theo quy định của pháp luật.

Nghĩa vụ của người được bảo lãnh được hướng dẫn bởi Điều 15 Nghị định 15/2011/NĐ-CP .

Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật  về trách nhiệm của cơ quan cấp bảo lãnh và người được bảo lãnh chính phủ, được quy định tại Luật Quản lý nợ công 2009. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn. 

Trân trọng! 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Chính phủ

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào