Xử lý khi mở cửa xe ô tô gây tai nạn chết người

Chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi tên là Hải Yến, hôm nay trên đường đi làm, tôi có chứng kiến một vụ tai nạn. Nguyên nhân là vì một người đi xe ô tô đã bất ngờ mở cửa xe làm người lái xe máy không kịp phanh lại và bị tai nạn dẫn đến chết người. Cho tôi hỏi: Mở cửa xe ô tô gây tai nạn chết người bị xử lý như thế nào? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

Khi tham gia giao thông đường bộ, việc dừng xe, đổ xe, mở cửa xe phải thực hiện đúng quy định pháp luật, theo Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008.  Riêng, đối với việc mở cửa xe đã quy định: “Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn”.

Hành vi bạn chứng kiến phải chịu các trách nhiệm như sau:

Trách nhiệm hành chính:

Theo Điểm g Khoản 2 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì hành vi dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường rộng; dừng xe, đỗ xe không sát mép đường phía bên phải theo chiều đi ở nơi đường có lề đường hẹp hoặc không có lề đường; dừng xe, đỗ xe ngược với chiều lưu thông của làn đường; đỗ xe trên dốc không chèn bánh; mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn sẽ bị xử phạt từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.

Trách nhiệm dân sự:

Hành vi bạn chứng kiến, người thực hiện sẽ phải bồi thường thiệt hại về tính mạng và tinh thần cho thân nhân của người bị nạn theo quy định tại Bộ luật dân sự 2005.

Trách nhiệm hình sự:

Hành vi mở cửa xe ô tô gây tai nạn chết người là đã phạm vào tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Hành vi này sẽ bị xử lý theo Điều 202 Bộ luật hình sự 1999. Cụ thể như sau:

1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến năm năm.

 2. Phạm tội  thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;

b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;

c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; 

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn  giao thông;

đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về xử lý khi mở cửa xe ô tô gây tai nạn chết người. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Giao thông đường bộ 2008 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội xâm phạm an toàn công cộng

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào