Hỏi Sở Nội vụ Hà Nội về chế độ của giáo viên mầm non

Tôi có đọc được câu trả lời của Sở Nội vụ Hà Nội về việc Hà Nội chưa tính lương giáo viên mầm non theo bằng cho giáo viên thi đỗ vào kì tuyển dụng năm 2011như sau: “Theo Quyết định số 2957/QĐ-UBND ngày 22/6/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Kế hoạch tuyển dụng viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS công lập trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND quận, huyện, thị xã của Hà Nội năm 2011 thì chỉ tiêu tuyển dụng: ngạch giáo viên mầm non - mã ngạch 15.115 (giáo viên mầm non đạt chuẩn, giáo viên có trình độ trung cấp); Việc trả lương cho viên chức không chỉ căn cứ vào bằng cấp mà căn cứ vào các tiêu chuẩn của ngạch viên chức (trong đó có tiêu chuẩn về trình độ). Như vậy dù bạn có trình độ đại học nhưng đăng ký dự tuyển vào ngạch giáo viên mầm non đạt chuẩn (mã ngạch 15.115) thì đương nhiên được hưởng lương ở mã ngạch đó là đúng." Vậy tôi có thể tạm hiểu tiêu chuẩn của giáo viên mầm non tại Hà Nội là có bằng trung cấp. Năm 2005 Bộ Nội Vụ có Quyết định số 61/2005/QĐ-BNV về việc ban hành tạm thời chức danh và mã số ngạch một số ngạch viên chức ngành giáo dục và đào tạo. Trong đó có có chức danh Giáo viên mầm non chính (trình độ cao đẳng) mã số 15a.260 và Giáo viên mầm non cao cấp (trình độ đại học) mã số 15a.205. Tôi được biết ngay sau đó đa số các tỉnh thành (tôi dẫn chứng các tỉnh nơi các bạn đồng khoá đại học với tôi Ninh Bình, Thái Nguyên, ngay cả Hà Giang một tỉnh biên giới) đã thực hiện quyết định này. Nghĩa là ngoài việc tuyển dụng và tính lương theo giáo chuẩn là trung cấp họ đã xếp các chức danh cho giáo viên trên chuẩn: giáo viên mầm non chính và giáo viên mầm non cao cấp để họ được hưởng các chính sách ưu đãi đúng với trình độ của họ. Tôi cũng hiểu quyết định này của sở nhằm mục đính khuyến khích nâng cao trình độ cho viên chức mầm non. Nhưng xã hội hiện nay có quá nhiều yếu tố đặt lên trên lòng yêu nghề hay nhiệt huyết, chính vì vậy nhà nước mới cần đến những chính sách ưu tiên hay khuyến khích. Và cũng bởi vậy tôi thấy không có lí do gì để ngay từ khi chọn nghề chọn trường các giáo viên mầm non tương lai ở Hà Nội phải chọn các trường Cao đẳng hay Đại học để rèn học tập. Hiện nay tôi được biết Thông tư số 20/2015/TTLT-BGD ĐT-BNV Thông tư liên tịch Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non đã có hiệu lực kể từ ngày 1/11/2015 Theo như thông tư này: "1. Thông tư liên tịch này quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm: trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập (gọi chung là trường mầm non) 2. Thông tư liên tịch này áp dụng đối với viên chức là giáo viên mầm non trong các trường mầm non công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân." Vậy tôi rất mong Sở Nội Vụ Hà Nội trả lời cho tôi 2 câu hỏi sau: 1. Khi nào các viên chức mầm non tại Hà Nội được áp dụng thông tư này? Hay Hà Nội vẫn áp dụng quyết định của thành phố và không có gì thay đổi? 2. Theo như tôi được biết kì tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2015 của thành phố Hà Nội có vị trí giáo viên mầm non mã ngạch 15.115. Vậy cho hỏi nếu Hà Nội rà soát và thực hiện đúng như thông tư này thì viên chức mới trúng tuyển (đang trong thời gian tập sự) có được áp dụng hay không? Người hỏi: Mai Sim ( 23:21 06/12/2015)

Sau khi chuyển câu hỏi của bạn đến Sở Nội vụ, chúng tôi nhận được ý kiến của Sở Nội vụ như sau:

(Theo Công văn số 3243/SNV-ĐTBDTD ngày 24/12/2015 của Sở Nội vụ Hà Nội)

1. Việc tuyển dụng viên chức, hiện nay được thực hiện theo Luật Viên chức, Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ, Thông tư số 15/2012/TT-BNV ngày 25/12/2012 của Bộ Nội vụ, Thông tư số 16/2012/TT-BNV ngày 28/12/2012 của Bộ Nội vụ. Theo phân cấp hiện hành việc tuyển dụng viên chức thuộc thẩm quyền của các Sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Thành phố. Thực hiện quy định tại Điều 20, Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành: “Việc tuyển dụng viên chức phải căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập”, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo các Sở, UBND quận, huyện, thị xã xây dựng, hoàn thiện báo cáo UBND Thành phố và báo cáo Bộ Nội vụ phê duyệt Đề án cơ cấu vị trí việc làm và cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức, trong đó có viên chức ngành giáo dục và đào tạo (hiện nay Bộ Nội vụ chưa có quyết định phê duyệt). Trong khi chưa có Quyết định phê duyệt cơ cấu vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp viên chức (làm cơ sở để phê duyệt kế hoạch tuyển dụng viên chức theo cơ cấu chức danh nghề nghiệp như hạng I, II, III, IV) Sở Nội vụ đã tổng hợp nhu cầu tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2015 theo đề xuất của các quận, huyện, thị xã trong đó có giáo viên mầm non – ngạch giáo viên mầm non mã số 15.115, tương đương với chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng IV – trình độ Trung cấp trở lên; các thí sinh dự thi có trình độ đào tạo cao hơn, nếu trúng tuyển thì việc xếp lương theo ngạch (chức danh nghề nghiệp) đã đăng ký dự tuyển

 

Liên bộ Giáo dục và Đào tạo – Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BGDĐT ngày 14/9/2015 về việc Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2015, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội đang nghiên cứu, tham mưu cho UBND Thành phố hướng dẫn Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND quận, huyện, thị xã thực hiện việc chuyển xếp, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp theo Quy định mới và đề nghị cấp có thẩm quyền xét duyệt kế hoạch thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp: Theo dự kiến Kế hoạch tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2016 sẽ thực hiện theo hướng dẫn đảm bảo đúng cơ cấu vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định hiện hành

2. Ngày 20/6/2014, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội đã có công văn số 1518/SNV-ĐTBDTD báo cáo Bộ Nội vụ về việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức; ngày 03/9/2014, Vụ Công chức Viên chức Bộ Nội vụ có công văn số 3530/BNV-CCVC gửi Sở Nội vụ thành phố Hà Nội về việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức, trong đó đã nêu “…các Bộ, ngành, địa phương sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức việc thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành theo thẩm quyền” và Bộ Nội vụ đang thẩm định phê duyệt vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức đối với công chức hoặc chức danh nghề nghiệp đối với viên chức; vì vậy, sau khi được Bộ Nội vụ phê duyệt và đồng ý, cho phép thành phố Hà Nội sẽ tổ chức thực hiện thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức;

Việc thay đổi chức danh nghề nghiệp của viên chức thực hiện quy định tại Điều 29 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Giáo viên trường mầm non

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào