Mua sắm tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân được quy định như thế nào?

Mua sắm tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi hiện đang làm cán bộ cấp xã. Tôi có một thắc mắc mong được Ban biên tập tư vấn. Mua sắm tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định điều này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cám ơn Ban biên tập Thư Ký Luật! Lệ Thu (thu.le****@gmail.com)

Mua sắm tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân được quy định tại Điều 14 Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước 2008 như sau:

1. Việc mua sắm tài sản nhà nước phải phù hợp với tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

2. Kinh phí mua sắm tài sản nhà nước do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

3. Việc mua sắm tài sản nhà nước được thực hiện công khai, theo trình tự, thủ tục do pháp luật về đấu thầu và pháp luật có liên quan quy định.

4. Thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản nhà nước được quy định như sau:

a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, người đứng đầu cơ quan khác ở trung ương quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý;

b) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

Phương thức mua sắm tài sản nhà nước được quy định tại Điều 6 Nghị định 52/2009/NĐ-CP Hướng dẫn Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

1. Việc mua sắm tài sản nhà nước được thực hiện theo một trong các phương thức sau đây: 

a) Mua sắm tập trung; 

b) Cơ quan được giao quản lý, sử dụng tài sản thực hiện mua sắm. 

2. Phương thức mua sắm tập trung được áp dụng đối với các loại tài sản có số lượng mua sắm nhiều, tổng giá trị mua sắm lớn và có yêu cầu được trang bị đồng bộ, hiện đại. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, người đứng đầu cơ quan khác ở Trung ương (sau đây gọi chung là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương), Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định danh mục tài sản mua sắm theo phương thức tập trung, thuộc phạm vi quản lý. 

3. Đơn vị được giao thực hiện việc mua sắm tài sản theo phương thức tập trung có các quyền và nghĩa vụ sau đây: 

a) Được Nhà nước giao kinh phí để mua sắm tài sản cho các cơ quan nhà nước theo phạm vi nhiệm vụ được giao. 

b) Thực hiện việc mua sắm tài sản theo quy định của pháp luật về đấu thầu mua sắm tài sản, hàng hóa từ ngân sách nhà nước; 

c) Bàn giao tài sản cho cơ quan được giao quản lý, sử dụng theo chế độ quy định, sau khi hoàn thành việc mua sắm. 

4. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung. 

5. Đối với các tài sản mua sắm theo phương thức quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, thủ trưởng cơ quan được giao quản lý, sử dụng tài sản thực hiện mua sắm theo chế độ quy định.

Trên đây là quy định về Mua sắm tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân. Để hiểu rõ hơn bạn nên tham khảo thêm tại Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước 2008.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào