Thủ tục đối với hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh được quy định như thế nào?
Theo quy định hiện hành tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP thì thủ tục đối với hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh được quy định như sau:
1. Hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh được làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu.
2. Người xuất cảnh, nhập cảnh không phải khai hải quan nếu không có hành lý vượt định mức miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế, không có hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi.
Người xuất cảnh, nhập cảnh mang hàng hóa vượt định mức hành lý miễn thuế qua khu vực kiểm tra hải quan mà không khai hải quan đều coi là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bất hợp pháp và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh được kiểm tra qua hệ thống máy soi hàng hóa và các trang thiết bị khác. Trên cơ sở phân tích thông tin và quá trình giám sát người xuất cảnh, nhập cảnh, cơ quan hải quan quyết định lựa chọn hành lý có rủi ro để kiểm tra thực tế.
4. Trường hợp có căn cứ xác định người xuất cảnh, nhập cảnh có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thì thực hiện việc khám người theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
5. Người xuất cảnh, nhập cảnh được tạm gửi hành lý vào kho của Hải quan cửa khẩu và được nhận lại khi nhập cảnh, xuất cảnh. Thời gian tạm gửi hành lý không quá 180 ngày, kể từ ngày hành lý được gửi vào kho của Hải quan.
6. Trong thời hạn tạm gửi hành lý quy định tại Khoản 5 Điều này, nếu người xuất cảnh, nhập cảnh có văn bản từ bỏ hành lý tạm gửi hoặc quá thời hạn tạm gửi hành lý nhưng người xuất cảnh, nhập cảnh không nhận lại, thì bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tiền thu được từ việc thanh lý hàng hóa được nộp vào ngân sách nhà nước sau khi trừ đi các chi phí phát sinh theo quy định của pháp luật.
Thủ tục đối với hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh được quy định tại Điều 59 Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật