Quy định về chấp hành kỷ luật chuyển làm công việc khác có mức lương thấp hơn
Bộ luật lao động năm 2012 không còn quy định về hình thức xử lý kỷ luật chuyển làm việc khác có mức lương thấp hơn. Đồng thời, tại Điều 77 Bộ luật lao động năm 2012 có các quy định: “Trong trường hợp quy định của pháp luật thay đổi mà dẫn đến thỏa ước lao động tập thể không còn phù hợp với quy định của pháp luật, thì hai bên phải tiến hành sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể trong vòng 15 ngày, kể từ ngày quy định của pháp luật có hiệu lực”
Khoản 2 Điều 119 Bộ luật lao động 2012 quy định: Nội dung nội quy lao động không được trái với pháp luật về lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Khoản 2 Điều 240 Bộ luật lao động 2012 quy định: Kể từ ngày bộ luật này có hiệu lực thi hành, các hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể, những thoả thuận hợp pháp khác đã giao kết và những thoả thuận có lợi hơn cho người lao động so với quy định của bộ luật này được tiếp tục thực hiện; những thoả thuận không phù hợp với quy định của bộ luật phải được sửa đổi, bổ sung.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hình thức xử lý kỷ luật chuyển làm công việc khác có mức lương thấp hơn trong thời hạn tối đa là sáu tháng và việc chấp hành hình thức này, nếu trước đó đã được các bên thỏa thuận tại thỏa ước lao động tập thể (trong đó bao gồm việc thực hiện nội quy lao động) và được công ty quy định tại nội quy lao động, thì phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo nguyên tắc có lợi cho người lao động, người đang chấp hành hình thức xử lý kỷ luật chuyển làm công việc khác có mức lương thấp hơn trong thời hạn tối đa là sáu tháng không phải tiếp tục chấp hành hình thức kỷ luật này, nhưng có thể bị chuyển sang hình thức kỷ luật khác (nhẹ hơn) như kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng hoặc khiển trách.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về chấp hành kỷ luật chuyển làm công việc khác có mức lương thấp hơn. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật lao động năm 2012 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật