Thủ tục nộp phạt khi vi phạm giao thông
Việc thu, nộp tiền xử phạt tuân theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính được nộp tiền phạt bằng cách trừ vào tài khoản của mình tại ngân hàng.
Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có quy định về thủ tục nộp tiền phạt như sau:
1. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt, trừ trường hợp đã nộp tiền phạt quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này. Nếu quá thời hạn nêu trên, thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
2. Tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền phạt cho người có thẩm quyền xử phạt. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm thu tiền phạt tại chỗ và nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn không quá 07 ngày, kể từ ngày thu tiền phạt.
Trường hợp xử phạt trên biển hoặc ngoài giờ hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được thu tiền phạt trực tiếp và phải nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày vào đến bờ hoặc ngày thu tiền phạt.
3. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính bị phạt tiền phải nộp tiền phạt một lần, trừ trường hợp quy định tại Điều 79 của Luật này.
Mọi trường hợp thu tiền phạt, người thu tiền phạt có trách nhiệm giao chứng từ thu tiền phạt cho cá nhân, tổ chức nộp tiền phạt.
Bên cạnh đó Điều 80 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 có quy định về Thủ tục tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn như sau:
1. Trường hợp tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn được ghi trong quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt thu giữ, bảo quản giấy phép, chứng chỉ hành nghề và thông báo ngay cho cơ quan đã cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó biết. Khi hết thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề ghi trong quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt giao lại giấy phép, chứng chỉ hành nghề cho cá nhân, tổ chức đã bị tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó.
2. Trường hợp đình chỉ hoạt động có thời hạn, cá nhân, tổ chức vi phạm phải đình chỉ ngay một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc các hoạt động khác được ghi trong quyết định xử phạt.
3. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không được tiến hành các hoạt động ghi trong quyết định xử phạt.
4. Đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, nếu cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có khả năng thực tế gây hậu quả tới tính mạng, sức khỏe con người, môi trường thì người có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản việc tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn cho các cơ quan có liên quan.
5. Trường hợp phát hiện giấy phép, chứng chỉ hành nghề được cấp không đúng thẩm quyền hoặc có nội dung trái pháp luật thì người có thẩm quyền xử phạt phải tiến hành thu hồi ngay theo thẩm quyền, đồng thời phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đã cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó biết; trường hợp không thuộc thẩm quyền thu hồi thì phải báo cáo với cơ quan có thẩm quyền để xử lý.
Như vậy, trong trường hợp của bạn khi đã bị quá thời hạn nộp phạt nêu trên, thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp và sẽ không bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe hoặc các giấy tờ xe khác.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về thủ tục nộp phạt khi vi phạm giao thông. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật