Lương từ bao nhiêu mới giành được quyền nuôi con?

Tôi đang làm thủ tục ly hôn với chồng và đang tranh chấp quyền nuôi con gái 3 tuổi. Xin cho tôi hỏi pháp luật Việt Nam có căn cứ vào mức lương để phân định quyền nuôi con không? Nếu có căn cứ thì mức lương bao nhiêu thì đủ tiêu chuẩn?

Pháp luật về hôn nhân và gia đình không căn cứ vào mức lương của người vợ (hoặc người chồng) để quyết định cho người vợ (hoặc người chồng) được giành quyền nuôi con.

Khoản 2, 3 Điều 81 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:

Khoản 2: Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Khoản 3: Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con."

Khoản 2, Điều 82 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Dựa theo các quy định trên, trong trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được, tòa án căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt (về vật chất, tinh thần, môi trường sống và học tập) của con để đưa ra quyết định về việc giao con cho người mẹ hoặc người chồng nuôi. Người không trực tiếp nuôi con vẫn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con, thăm nom, chăm sóc con phù hợp với phán quyết của tòa án.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Giành quyền nuôi con khi ly hôn

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào