Đòi lại đất bị anh em ruột nhập vào sổ đỏ như thế nào?
Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn bị lừa bán sang Trung Quốc, trước khi bị lừa bán có nhà cửa, đất đai, ruộng vườn. Khi bạn ở Trung Quốc, toàn bộ nhà cửa đất đai đó đã được 3 anh em bạn tự ý chia nhau nhập vào sổ đỏ của mình và bạn đã nhận 1 số tiền và vàng của anh em cho. Nay trở về Việt Nam bạn muốn đòi lại nhà cửa, đất đai, ruộng vườn của mình.
Trong trường hợp này là quan hệ tranh chấp đòi tài sản là quyền sử dụng đất, và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Vì vậy, khi đòi tài sản thì bạn thì theo quy định tại Điều 256 Bộ luật Dân sự năm 2005, trước hết tài sản kiện đòi phải thuộc quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp của người đòi. Đối với vụ việc này, nhà cửa, đất đai, ruộng vườn phải là tài riêng của bạn, các giấy tờ về quyền sử dụng đất cung cấp bạn chưa nói rõ. Trong khi đó đòi lại tài sản trong trường hợp này là tranh chấp đất đai bao gồm các dạng tranh chấp như: tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất; tranh chấp liên quan đến giao dịch về đất và tranh chấp về tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất.
Khi các anh em của bạn đã tự ý nhận tài sản thực hiện thủ tục đăng ký sang tên mình mà không có sự đồng ý của bạn; khi đó bạn lại không ở Việt Nam; và thấy rõ việc tự ý ở trên có những dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật thì bạn có thể đề đòi lại tài sản của mình. Việc tự ý nhận và nhập tài sản và sang tên sổ đỏ ở đây chúng tôi tạm suy đoán có thể là giao dịch về nhà đất.
Vậy, muốn lấy lại tài sản, bạn phải chứng minh được các giao dịch chuyển quyền sử dụng đất vô hiệu. Theo điều 127 và điều 122 Bộ luật Dân sự 2005 thì các trường hợp giao dịch vô hiệu gồm: Người tham gia giao dịch không có năng lực hành vi dân sự; Mục đích và nội dung của giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội; Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo; Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn; Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa; Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình; Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức.
Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu theo điều 137 Bộ luật dân sự 2005 quy định: Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.
Như vậy, nếu bạn chứng minh được giao dịch chuyển quyền sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì bạn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên giao dịch vô hiệu. Nếu giao dịch vô hiệu, các anh bạn phải trả lại tài sản là quyền sử dụng đất đã nhận.
Trên đây là những ý kiến pháp lý cơ bản của chúng tôi về vụ việc của bạn, hy vọng có thể giúp bạn tìm ra cách thức để giải quyết vấn đề.
Thư Viện Pháp Luật