Hợp đồng hôn nhân giữa hai vợ chồng có được nhà nước công nhận?
Hợp đồng hôn nhân là vấn đề tương đối phổ biến ở phương tây nhưng còn khá hiếm ở Việt nam. Ở góc độ pháp luật, nam và nữ có thể thỏa thuận với nhau về một hoặc một số nội dung trước khi tiến tới hôn nhân chung. Pháp luật Việt nam hiện nay mới chỉ gián tiếp công nhận hợp đồng hôn nhân ở khía cạnh tài sản vợ chồng, mà không có các quy định về thỏa thuận liên quan đến nhân thân.
Cụ thể, Điều 47 Luật Hôn nhân gia đình 2014 có quy định: “Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn”.
Theo quy định tại Điều 48 Luật Hôn nhân gia đình 2014 về các nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng, thì “1. Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản bao gồm:
a) Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;
b) Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;
c) Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;
d) Nội dung khác có liên quan.
2. Khi thực hiện chế độ tài sản theo thỏa thuận mà phát sinh những vấn đề chưa được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì áp dụng quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật này và quy định tương ứng của chế độ tài sản theo luật định”.
Như vậy, hai vợ chồng hoàn toàn có thể lập hợp đồng trước hôn nhân. Hợp đồng hôn nhân phải được lập thành văn bản và phải được công chứng hoặc chứng thực thì mới có giá trị.
Tuy nhiên, chúng tôi nhấn mạnh rằng, việc lập hợp đồng chỉ nhằm văn bản hóa các thỏa thuận giữa hai bên liên quan đến tài sản. Các bên không được đưa vào hợp đồng các vấn đề khác ngoài thỏa thuận liên quan đến tài sản.
Thư Viện Pháp Luật