Xây dựng dự toán chi thường xuyên năm 2017

Xây dựng dự toán chi thường xuyên năm 2017 được quy định như thế nào? Chào mọi người, em có một vấn đề hi vọng được các anh chị trong Thư ký luật giải đáp. Em đang nghiên cứu về pháp luật ngân sách nhà nước. Hiện nay thì các cơ quan có thẩm quyền đang tiến hành xây dự năm ngân sách 2017. Do đây cũng là năm quan trọng trong việc thực hiện ngân sách giai đoạn 2016-2020 nên em cũng rất quan tâm. Em muốn hỏi: Xây dựng dự toán chi thường xuyên năm 2017 được quy định như thế nào? Em xin cảm ơn và mong sớm nhận được câu trả lời! Quang Lâm, Đà Nẵng.

Xây dựng dự toán chi thường xuyên năm 2017 được quy định tại Khoản 3 Điều 10 Thông tư 91/2016/TT-BTC Hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, theo đó:

a) Các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương căn cứ nhiệm vụ chính trị, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và số kiểm tra dự toán thu, chi ngân sách năm 2017, xây dựng dự toán chi thường xuyên theo từng lĩnh vực, đảm bảo đúng chính sách, chế độ và các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2017.

Các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, các cơ quan, đơn vị sử dụng NSNN lập dự toán chi thường xuyên đúng tính chất nguồn kinh phí, triệt để Tiết kiệm. Dự toán chi mua sắm, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản phải căn cứ quy định về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước theo quy định. Trong đó, dự toán chi mua sắm máy móc, thiết bị theo quy định tại Quyết định số 58/2015/QĐ-TTg ngày 17 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ; dự toán chi mua sắm phương tiện đi lại chỉ được thực hiện sau khi đã rà soát, sắp xếp lại, xử lý số xe hiện có mà vẫn còn thiếu so với tiêu chuẩn, định mức theo quy định tại Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 04 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ. Giảm tối đa cả về số lượng và qui mô tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo, tổng kết, lễ ký kết, khởi công, phong tặng danh hiệu, tiếp khách; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài và các nhiệm vụ không cần thiết, cấp bách khác.

b) Dự toán chi quản lý hành chính được xây dựng gắn với lộ trình tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; khuyến khích tăng thu, Tiết kiệm chi, tinh giản biên chế nhanh hơn lộ trình để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức.

c) Các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương thực hiện nghiêm lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ, đẩy mạnh việc triển khai cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập, tính toán cụ thể khả năng tăng thu của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc từng lĩnh vực để giảm mức hỗ trợ từ NSNN. Trên cơ sở đó, xác định khả năng dành nguồn để tăng chi hỗ trợ trực tiếp cho người có công với cách mạng, người nghèo và các đối tượng chính sách để được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản thiết yếu, tăng chi cho các nhiệm vụ không có nguồn thu, qua đó cơ cấu lại chi ngân sách của từng lĩnh vực và từng bước tái cơ cấu chi NSNN.

d) Xây dựng và tổng hợp vào dự toán chi thường xuyên lĩnh vực tương ứng của các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương dự toán chi đảm bảo hoạt động của các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ xử phạt vi phạm hành chính, các nhiệm vụ chi trước đây được thực hiện bằng nguồn thu phí, lệ phí được để lại đơn vị mà theo Luật NSNN 2015 các Khoản phí, lệ phí này được nộp vào NSNN.

đ) Một số lưu ý thêm khi xây dựng dự toán NSNN năm 2017:

- Chi đặc biệt, chi trợ giá: Từ năm 2017, nhiệm vụ chi đặc biệt, chi trợ giá sẽ được bố trí trong các lĩnh vực chi ngân sách tương ứng; không còn là lĩnh vực chi riêng. Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương có nhiệm vụ chi thuộc hai lĩnh vực chi này lập dự toán chi Tiết và kèm theo thuyết minh cụ thể để Bộ Tài chính có cơ sở tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.

- Chi nghiên cứu khoa học: Lập dự toán chi đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thuyết minh cụ thể các nhiệm vụ:

+ Nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng (trong đó có kinh phí hoạt động thường xuyên của tổ chức khoa học và công nghệ) được lập dự toán theo quy định của Thông tư liên tịch số 121/2014/TTLT-BTC-BKHCN ngày 25 tháng 8 năm 2014 của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn xây dựng dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

+ Nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp cơ sở và hoạt động phục vụ quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ của cơ quan có thẩm quyền được lập dự toán theo quy định của Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22 tháng 4 năm 2015 của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng NSNN.

+ Các nhiệm vụ không thường xuyên khác của tổ chức khoa học và công nghệ được lập dự toán theo quy định của Luật NSNN năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

- Chi sự nghiệp giáo dục đào tạo: Thuyết minh cơ sở xây dựng dự toán chi thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập, chính sách phụ cấp thâm niên ngành giáo dục, chính sách ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tại vùng có Điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn,...

- Chi sự nghiệp y tế: Thuyết minh cụ thể cơ sở tính toán nhu cầu kinh phí thực hiện Đề án giảm quá tải bệnh viện năm 2017 theo từng Dự án, nhiệm vụ và các nguồn kinh phí để thực hiện; nhu cầu kinh phí NSNN phải đảm bảo chi trả tiền lương, chế độ phụ cấp đặc thù chưa kết cấu vào giá dịch vụ y tế, chế độ phụ cấp chống dịch theo quy định; dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm nghiệm, xử lý tiêu hủy thực phẩm không an toàn, kinh phí thanh tra, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm;...

- Chi sự nghiệp kinh tế: Xây dựng trên cơ sở khối lượng nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao và chế độ, định mức chi ngân sách quy định; tập trung bố trí chi cho những nhiệm vụ quan trọng: duy tu bảo dưỡng hệ thống hạ tầng kinh tế trọng yếu (giao thông, thủy lợi,...) để tăng thời gian sử dụng và hiệu quả đầu tư; kinh phí thực hiện công tác quy hoạch; thực hiện nhiệm vụ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công; nhiệm vụ phân giới cắm mốc biên giới; chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản;...

- Chi quản lý hành chính, thuyết minh rõ các nội dung sau:

+ Số biên chế năm 2017 (số được cơ quan có thẩm quyền giao năm 2016 - số biên chế tinh giản trong năm 2016 + số bổ sung trong năm 2016 nếu có), trong đó số biên chế thực có mặt đến thời Điểm lập dự toán, số biên chế chưa tuyển theo chỉ tiêu được duyệt (nếu có).

+ Xác định Quỹ tiền lương, phụ cấp theo mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng (tính đủ 12 tháng) do NSNN đảm bảo, bao gồm: (i) Quỹ tiền lương, phụ cấp của số biên chế được duyệt, thực có mặt tính đến thời Điểm lập dự toán, được xác định trên cơ sở mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ; phụ cấp lương và các Khoản đóng góp theo chế độ (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn); (ii) Quỹ tiền lương, phụ cấp của số biên chế được duyệt nhưng chưa tuyển, được dự kiến trên cơ sở mức lương cơ sở 1.210.000 đồng/tháng, hệ số lương 2,34/biên chế và các Khoản đóng góp theo chế độ.

+ Thuyết minh cơ sở xây dựng dự toán các Khoản chi đặc thù (cơ sở pháp lý, nội dung chi, mức chi,...) năm 2017 trên tinh thần Tiết kiệm, hiệu quả.

Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật  về xây dựng dự toán chi thường xuyên năm 2017, được quy định tại Thông tư 91/2016/TT-BTC. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn. 

Trân trọng! 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào