Nội dung và trình tự Hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh khi giải quyết phá sản
Nội dung và trình tự Hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh khi giải quyết phá sản đã được quy định cụ thể tại Điều 91 Luật Phá sản 2014.
Theo đó, nội dung và trình tự Hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh khi giải quyết phá sản được quy định như sau:
1. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày quyết định đưa phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán ra Hội nghị chủ nợ, Thẩm phán triệu tập Hội nghị chủ nợ để xem xét, thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.
2. Hội nghị chủ nợ được tiến hành như sau:
a) Thẩm phán được phân công phụ trách khai mạc Hội nghị chủ nợ;
b) Hội nghị chủ nợ biểu quyết thông qua việc cử Thư ký Hội nghị chủ nợ theo đề xuất của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản để ghi biên bản Hội nghị chủ nợ;
c) Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản báo cáo về sự có mặt, vắng mặt của người tham gia Hội nghị chủ nợ theo thông báo triệu tập của Tòa án nhân dân, lý do vắng mặt và kiểm tra căn cước của người tham gia Hội nghị chủ nợ;
d) Thẩm phán thông báo với Hội nghị chủ nợ về những người tham gia Hội nghị chủ nợ;
đ) Đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã trình bày phương án phục hồi hoạt động kinh doanh;
e) Người tham gia Hội nghị chủ nợ trình bày ý kiến của mình về phương án phục hồi hoạt động kinh doanh;
g) Hội nghị chủ nợ thảo luận và biểu quyết thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.
3. Hội nghị chủ nợ được hoãn một lần trong trường hợp không đáp ứng điều kiện hợp lệ. Việc tổ chức lại Hội nghị chủ nợ được thực hiện theo quy định tại Điều 90 và Điều 91 của Luật này.
4. Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh khi được quá nửa tổng số chủ nợ không có bảo đảm có mặt và đại diện cho từ 65% tổng số nợ không có bảo đảm trở lên biểu quyết tán thành.
Trường hợp phương án phục hồi hoạt động kinh doanh có sử dụng tài sản bảo đảm thì phải quy định rõ thời gian sử dụng tài sản có bảo đảm, phương án xử lý tài sản bảo đảm và phải được chủ nợ có bảo đảm bằng tài sản đó đồng ý.
5. Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ có hiệu lực ràng buộc đối với tất cả các chủ nợ.
6. Trường hợp không tổ chức lại được Hội nghị chủ nợ hoặc Hội nghị chủ nợ không thông qua được Nghị quyết theo khoản 5 Điều này thì Tòa án nhân dân tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về nội dung và trình tự Hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh khi giải quyết phá sản. Nếu muốn tìm hiểu rõ hơn, bạn có thể tham khảo quy định tại Luật Phá sản 2014.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật