Nguyên tắc phối hợp với các cơ quan ban ngành của Cảnh sát môi trường trong phòng chống tội phạm về môi trường

Nguyên tắc phối hợp với các cơ quan ban ngành của Cảnh sát môi trường trong phòng chống tội phạm về môi trường được quy định thế nào? Chào Ban biên tập Thư ký luật, tôi là Kiên, đang sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, tôi có một thắc mắc rất mong nhận được câu trả lời của Ban biên tập. Ban biên tập cho tôi hỏi việc phối hợp đông tác giữa các cơ quan ban ngành trong việc phòng chống tội phạm về môi trường được quy định thế nào? Mong Ban biên tập tư vấn giúp tôi. Xin cảm ơn. (Chí Kiên_096**)

Nguyên tắc phối hợp với các cơ quan ban ngành của Cảnh sát môi trường trong phòng chống tội phạm về môi trường được quy định tại Điều 12 Nghị định 105/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường, theo đó, công tác phối hợp giữ các cơ quan ban ngành phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

1. Việc phối hợp dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, lực lượng đã được pháp luật quy định; không gây cản trở đến các hoạt động hợp pháp của các bên tham gia phối hợp, đảm bảo công tác quản lý nhà nước thống nhất theo từng chuyên ngành.

2. Các Bộ, ngành trong quá trình hoạt động, phối hợp với nhau nhằm giải quyết nhanh chóng các vụ việc và hỗ trợ nhau thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn mà pháp luật quy định.

3. Trong quá trình hoạt động nếu phát hiện tội phạm và vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm thì lực lượng Cảnh sát môi trường xử lý theo thẩm quyền.

4. Các lực lượng khác khi thực hiện nhiệm vụ của mình mà phát hiện tội phạm và vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm nếu không thuộc thẩm quyền của mình thì có trách nhiệm thông báo, chuyển giao cho lực lượng Cảnh sát môi trường. Lực lượng Cảnh sát môi trường cótrách nhiệm thông báo bằng văn bản kết quả điều tra, xử lý tội phạm và vi phạm hành chính cho lực lượng chuyển giao biết.

5. Đối với vụ việc vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm thuộc thẩm quyền xử lý của nhiều lực lượng chức năng của các Bộ, ngành, địa phương thì đơn vị nào phát hiện trước có trách nhiệm thụ lý hồ sơ và chủ trì việc xử lý hành chính.

Trên đây là quy định về nguyên tắc phối hợp với các cơ quan ban ngành của Cảnh sát môi trường trong phòng chống tội phạm về môi trường. Để hiểu rõ hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 105/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội phạm

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào