Giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản

Giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản được quy định như thế nào? Và được quy định cụ thể ở đâu? Chào các anh chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật, em tên là Nguyễn Hoàng Vy. Gần đây, em đang tìm hiểu về thủ tục phá sản và muốn nhờ Ban biên tập tư vấn giúp: về việc giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản. Xin chân thành cảm ơn (email: vy***@gmail.com, sdt: 098322****).

Giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản đã được quy định cụ thể tại Điều 44 Luật Phá sản 2014.

Theo đó, việc giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản được quy định như sau:

1. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, người tham gia thủ tục phá sản có quyền đề nghị xem xét lại, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp có quyền kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản.

2. Ngay sau khi nhận được đơn đề nghị xem xét lại, kháng nghị, Tòa án nhân dân đã ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản gửi hồ sơ vụ việc phá sản cho Tòa án nhân dân cấp trên trực tiếp giải quyết.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc phá sản kèm theo đơn đề nghị xem xét lại, kháng nghị, Tòa án nhân dân cấp trên trực tiếp chỉ định Tổ Thẩm phán gồm 03 Thẩm phán xem xét, giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị và gửi hồ sơ vụ việc phá sản cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc phá sản do Tòa án nhân dân chuyển đến, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phải trả lại hồ sơ cho Tòa án nhân dân.

5. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc phá sản do Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp trả lại, Tổ Thẩm phán phải tổ chức phiên họp để xem xét, giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị.

6. Phiên họp của Tổ Thẩm phán có Viện kiểm sát nhân dân tham gia và có Thư ký Tòa án nhân dân ghi biên bản phiên họp. Trong trường hợp cần thiết có thể triệu tập người khác để hỏi thêm về những vấn đề chưa rõ.

7. Tổ Thẩm phán có quyền ra một trong các quyết định sau:

a) Giữ nguyên quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản;

b) Hủy quyết định không mở thủ tục phá sản và giao cho Tòa án nhân dân đã ra quyết định không mở thủ tục phá sản xem xét ra quyết định mở thủ tục phá sản;

c) Hủy quyết định mở thủ tục phá sản và thông báo cho Tòa án nhân dân đã ra quyết định mở thủ tục phá sản và những người tham gia thủ tục phá sản.

8. Quyết định của Tổ Thẩm phán là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành.

9. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định về Quy chế làm việc của Tổ Thẩm phán giải quyết đơn đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản. Nếu muốn tìm hiểu rõ hơn, bạn có thể tham khảo quy định tại Luật Phá sản 2014.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào