Quyền lợi của người lao động khi bị cắt giảm biên chế
Trường hợp của ông là do chế độ cắt giảm biên chế cán bộ, công chức theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP Về chính sách tinh giản biên chế. Vì vậy, chúng tôi xin được tư vấn cho ông như sau:
Về chính sách tinh giản biên chế
Như ông cho biết, sau khi thực hiện cắt giảm, ông thuộc diện dôi dư không cơ cấu sắp xếp được vị trí công việc, như vậy, ông sẽ thuộc vào các trường hợp tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định 108/2014, đó là:
“1. Cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế và cán bộ, công chức cấp xã hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là cán bộ, công chức, viên chức), thuộc đối tượng tinh giản biên chế nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự;
b) Dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác;”
Chế độ được hưởng sau khi tinh giản biên chế
Ông nguyên là Phó Chủ Tịch UBND thị trấn Đà Bắc, và đã 52 tuổi, do vậy, ông sẽ được hưởng chính sách thôi việc ngay theo Điều 10 Nghị định 108/2014/NĐ-CP, cụ thể như sau:
“Những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định này có tuổi đời dưới 53 tuổi đối với nam, dưới 48 tuổi đối với nữ và không đủ điều kiện để hưởng chính sách về hưu trước tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định này hoặc có tuổi đời dưới 58 tuổi đối với nam, dưới 53 tuổi đối với nữ và không đủ điều kiện để hưởng chính sách về hưu trước tuổi theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định này, nếu thôi việc ngay thì được hưởng các khoản trợ cấp sau:
a) Được trợ cấp 03 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm;
b) Được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội.”
Ông đã làm việc và đóng BHXH được 20 năm 5 tháng, vì thế sẽ được hưởng các khoản trợ cấp gồm 03 tháng tiền lương hiện hưởng + 30 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm.
Trong đó, 30 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm sẽ được tính bình quân tiền lương tháng thực lĩnh của 5 năm cuối (60 tháng) trước khi tinh giản. (Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 108/2014)
Trách nhiệm tinh giản biên chế
Điều 19 Nghị định 108/2014 quy định trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp tỉnh khi thực hiện tinh giản biên chế như sau:
“1. Triển khai tinh giản biên chế theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 14 Nghị định này.
2. Chỉ đạo, hướng dẫn các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc và các hội hoạt động trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện Nghị định này.
3. Chỉ đạo người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc xây dựng đề án tinh giản biên chế; lập danh sách đối tượng tinh giản biên chế và dự toán kinh phí thực hiện tinh giản biên chế theo định kỳ 2 lần/năm (6 tháng/1 lần).
4. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tờ trình, đề án tinh giản biên chế hoặc tờ trình, danh sách đối tượng tinh giản biên chế của cơ quan, đơn vị trực thuộc, chịu trách nhiệm phê duyệt đề án tinh giản biên chế hoặc danh sách đối tượng tinh giản biên chế của cơ quan, đơn vị.
5. Chỉ đạo Sở Nội vụ, Sở Tài chính thẩm định danh sách đối tượng tinh giản biên chế và dự toán kinh phí thực hiện tinh giản biên chế của cơ quan, đơn vị trực thuộc; tổng hợp danh sách đối tượng tinh giản biên chế và dự toán kinh phí thực hiện tinh giản biên chế của địa phương mình theo định kỳ 2 lần/năm (6 tháng/1 lần) gửi Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính.
6. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kinh phí thực hiện tinh giản biên chế từ Bộ Tài chính, tổ chức thực hiện việc chi trả các chế độ chính sách cho đối tượng tinh giản biên chế của địa phương mình. Kết thúc đợt chi trả phải tổng hợp quyết toán kinh phí với Bộ Tài chính.
7. Định kỳ vào ngày 31 tháng 12 hàng năm, tổng hợp kết quả, đánh giá tình hình thực hiện tinh giản biên chế của địa phương mình và gửi Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.”
Như vậy, Chủ tịch UBND thị trấn Đà Bắc theo hướng dẫn của Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình có trách nhiệm lập danh sách đối tượng tinh giản biên chế và dự toán kinh phí thực hiện, sau đó trình lên Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt.
Và khi thực hiện cắt giảm biên chế, Chủ tịch UBND TT Đà Bắc có trách nhiệm “Thực hiện quy chế dân chủ của cơ quan; công khai đề án tinh giản biên chế và danh sách đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế” theo quy định tại Điều 17 Nghị định 108/2014.
Do đó, Chủ tịch UBND TT Đà Bắc có trách nhiệm phải thông báo việc tinh giản biên chế cho ông và chi trả đầy đủ các khoản trợ cấp như đã tính ở trên.
Vì thế ông có thể tới yêu cầu Chủ tịch UBND TT giải thích việc tinh giản biên chế và thanh toán các khoản trợ cấp cho ông.
Nếu Chủ tịch UBND TT không công khai, minh bạch khi tinh giản biên chế đối với ông thì ông có quyền khiếu nại, tố cáo hành vi trái pháp luật của Chủ tịch UBND TT căn cứ theo Điều 23 Nghị định 108/2014: “Cá nhân, tổ chức phát hiện việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế trái với quy định tại Nghị định này có quyền và trách nhiệm khiếu nại, tố cáo với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật”
Thư Viện Pháp Luật