Hưởng lương từ ngân sách nhà nước không được nhận thừa kế tài sản đất có đúng không?
Do nội dung của anh Dương Hải Đăng trình bày chưa rõ về đất của cha, mẹ anh là loại đất gì, đã được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ hay chưa, nên Sở Tài nguyên và Môi trường xin trả lời chung như sau:
Khoản 1 Điều 179 Luật Đất đai năm 2013 quy định: Trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao trong hạn mức; đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; đất nhận chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế thì có các quyền:
- Chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng một xã (phường, thị trấn) với hộ gia đình, cá nhân khác;
- Chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật;
- Cho thuê quyền sử dụng đất;
- Tặng cho quyền sử dụng đất;
- Thừa kế quyền sử dụng đất (thừa kế theo di chúc hoặc theo quy định pháp luật);
- Thế chấp quyền sử dụng đất;
- Góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Theo quy định tại Điều 188 của Luật Đất đai năm 2013 thì khi người sử dụng đất thực hiện các quyền của người sử dụng đất (chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho, thừa kế, thế chấp, góp vốn) thì phải có đủ các điều kiện như sau: “1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây: a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này; b) Đất không có tranh chấp; c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án; d) Trong thời hạn sử dụng đất. 2. Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng đất khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn phải có đủ điều kiện theo quy định tại các điều 189, 190, 191, 192, 193 và 194 của Luật này. 3. Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính”.
Tại Khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai năm 2013 quy định: Trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Khoản 3 Điều 191 của Luật Đất đai năm 2013 quy định: Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.
Tại thời điểm cha, mẹ của anh còn sống, nếu muốn chuyển quyền sử dụng đất cho anh hoặc anh, em của anh thì phải thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc tặng cho quyền sử dụng đất và phải có đủ các điều kiện quy định tại Điều 188 của Luật Đất đai năm 2013. Trường hợp đất của cha, mẹ của anh là đất trồng lúa thì khi nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất, anh phải là người đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Trường hợp đất trồng lúa của cha, mẹ để lại cho anh theo di chúc hoặc anh được thừa kế theo quy định pháp luật thì không phải kèm theo điều kiện anh phải là người đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Để lập thủ tục chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, anh có thể đến các Văn phòng công chứng để được hướng dẫn thủ tục lập Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho hoặc văn bản phân chia tài sản thừa kế.
Liên quan đến việc dùng di sản vào việc thờ cúng, Điều 670 Bộ luật Dân sự năm 2005 (hết hiệu lực thi hành từ ngày 31/12/2016) quy định :" 1. Trong trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thoả thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng. Trong trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử một người quản lý di sản thờ cúng. Trong trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật. 2. Trong trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng".
Tương tự, tại Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017) quy định : " 1. Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thoả thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng. Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng. Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật. 2. Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng".
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau xin trả lời để anh Hải Đăng được rõ. Nếu có vấn đề gì chưa rõ, mời anh liên hệ trực tiếp với Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau để được hướng dẫn cụ thể. Xin cảm ơn và chúc sức khỏe anh.
Thư Viện Pháp Luật