Có được quyền ngưng cấp dưỡng nuôi con khi bị cản trở thăm con?
Theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 82 Luật hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì: Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Đồng thời, tại khoản 2 Điều 83 của Luật này cũng quy định: Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Đối chiếu với quy định trên, nếu anh không lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con của người vợ trước mà cô ấy lại không cho anh thăm nom, chăm sóc con là không đúng và vi phạm nghĩa vụ của người trực tiếp nuôi con. Tuy nhiên, anh lấy lý do này để ngưng cấp dưỡng nuôi con cũng là không đúng pháp luật và vợ trước của anh hoàn toàn có quyền yêu cầu anh tiếp tục thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo bản án hoặc quyết định ly hôn có hiệu lực pháp luật.
Để thực hiện quyền được thăm nom, chăm sóc con của mình, anh có thể thực hiện thủ tục yêu cầu Tòa án nơi cô ấy cư trú, làm việc cuối cùng (vì cô ấy đã chuyển nơi ở mới, anh không biết địa chỉ và không liên lạc được) giải quyết việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Thư Viện Pháp Luật