Quy định về uỷ quyền làm đơn thi hành án dân sự
Theo Điều 3 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định:
- Đương sự bao gồm người được thi hành án, người phải thi hành án.
- Người được thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền, lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành.
- Người phải thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của đương sự.
Đồng thời, Khoản 3 Điều 1 Thông tư liên tịch 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC Quy định vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự do Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành quy định:
Trường hợp đương sự là pháp nhân hoặc là người chưa thành niên, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án theo yêu cầu của người đại diện theo pháp luật của đương sự.
Trường hợp đương sự là người mất năng lực hành vi dân sự hoặc là người chưa thành niên không còn cha, mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án theo yêu cầu của người giám hộ.
Trường hợp đương sự có ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án theo yêu cầu của người được ủy quyền.
Như vậy, theo câu hỏi của bạn đưa ra thì mặc dù ông A ủy quyền cho ông B làm đơn yêu cầu thi hành án để thực hiện thay ông A công việc không làm thay đổi đối tượng được thi hành án. Do vậy, khi cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của ông B nhưng phần ghi danh người được thi hành án phải đứng tên ông A trong quyết định thi hành án theo nội dung Bản án, quyết định của Tòa án. Ông B chỉ là người đươc ủy quyền làm đơn và theo dõi trong quá trình tổ chức thi hành án theo nội dung công việc được ủy quyền.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về uỷ quyền làm đơn thi hành án dân sự. Bạn nên tham khảo chi tiết Thông tư liên tịch 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật