Bảo toàn và phát triển vốn tại doanh nghiệp nhà nước được quy định như thế nào?
Bảo toàn và phát triển vốn tại doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được quy định tại Điều 35 Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014 như sau:
1. Việc bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp được thực hiện bằng các biện pháp sau đây:
a) Quản lý, sử dụng vốn, tài sản theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
b) Mua bảo hiểm tài sản;
c) Xử lý tổn thất tài sản, nợ không có khả năng thu hồi;
d) Trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, nợ phải thu khó đòi, giảm giá các khoản đầu tư tài chính dài hạn, bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp.
2. Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty có trách nhiệm:
a) Bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp;
b) Báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu về biến động vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc bảo toàn vốn của doanh nghiệp nhà nước được còn được hướng dẫn bởi Điều 22 Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.
Trên đây là quy định về Bảo toàn và phát triển vốn tại doanh nghiệp nhà nước. Để hiểu rõ hơn bạn nên tham khảo thêm tại Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật