Thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên trong quân đội

Bạn đọc từ địa chỉ email nguyenng***[email protected] hỏi: Người nay là giáo viên từ 9/1983 đến 8/1985: Giáo viên, tập sự. 9/1985 bổ nhiệm ngạch. sau đó tiếp tục dạy đến 5/1986 thì đi bộ đội (Đi bộ đội sau khi đã bổ nhiệm ngạch. Thời gian đi bộ đội từ 6/1986 đến 5/1989, sau đó về tiếp tục dạy ở đơn vị cũ. Khi tính % phụ cấp thâm niên theo Nghị định 54, thì chỉ tính thời gian từ 9/1985 đến 5/1986 và từ 6/1989 đến 4/2011, thời gian trong quân đội không tính, như vậy có đúng không?

Theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 30/12/2011 của Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 54/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo thì: “Thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên ở các ngành, nghề khác, gồm: thời gian làm việc được xếp lương theo một trong các ngạch hoặc chức danh của các chuyên ngành hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, kiểm tra Đảng và thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên trong quân đội, công an và cơ yếu (nếu có)”.

Theo quy định của chính sách thì chế độ phụ cấp thâm niên trong quân đội được áp dụng đối với sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp có đủ 5 năm (tròn 60 tháng) tuổi quân trở lên. Trường hợp Bạn nêu có thời gian từ tháng 6/1986 đến tháng 5/1989 (3 năm) phục vụ trong quân đội nên khi tính % phụ cấp thâm niên theo Nghị định 54/2011/NĐ-CP không bao gồm thời gian công tác trong quân đội là đúng quy định.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào