Hộ tịch là gì, thế nào là đăng ký hộ tịch theo quy định pháp luật hiện hành?
Hộ tịch là một khái niệm tập hợp rất nhiều sự kiện hộ tịch. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Hộ tịch 2014:
Hộ tịch là những sự kiện hộ tịch như: khai sinh, kết hôn, nhận cha mẹ, con, thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, bổ sung thông tin hộ tịch, khai tử.
Đăng ký hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận hoặc ghi vào Sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch của cá nhân, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, thực hiện quản lý về dân cư. Theo đó, việc đăng ký hộ tịch bao gồm những nội dung quy định tại Điều 3 Luật Hộ tịch 2014:
1. Xác nhận vào Sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch:
a) Khai sinh;
b) Kết hôn;
c) Giám hộ;
d) Nhận cha, mẹ, con;
đ) Thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, bổ sung thông tin hộ tịch;
e) Khai tử.
2. Ghi vào Sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:
a) Thay đổi quốc tịch;
b) Xác định cha, mẹ, con;
c) Xác định lại giới tính;
d) Nuôi con nuôi, chấm dứt việc nuôi con nuôi;
đ) Ly hôn, hủy việc kết hôn trái pháp luật, công nhận việc kết hôn;
e) Công nhận giám hộ;
g) Tuyên bố hoặc hủy tuyên bố một người mất tích, đã chết, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
3. Ghi vào Sổ hộ tịch sự kiện khai sinh; kết hôn; ly hôn; hủy việc kết hôn; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; thay đổi hộ tịch; khai tử của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
4. Xác nhận hoặc ghi vào Sổ hộ tịch các việc hộ tịch khác theo quy định của pháp luật.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về khái niệm hộ tịch và đăng ký hộ tịch theo quy định pháp luật Việt Nam hiện hành. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Hộ tịch 2014 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật