Bị giật hụi phải giải quyết làm sao?
Theo quy định tại Điều 479 Bộ luật dân sự 2005 quy định trường hợp chơi hụi như sau:
"1. Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là một hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thoả thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.
2. Hình thức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật.
3. Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi.
Việc chơi hụi của bạn phải tuân thủ quy định pháp luật, nhằm mục đích tương trợ giữa các thành viên tham gia chơi hụi, không phải là hình thức cho vay nặng lãi trá hình thì khi xảy ra tranh chấp sẽ được pháp luật bảo vệ. Theo quy định tại Điều 31 Nghị định 144/2006/NĐ-CP về giải quyết tránh chấp hụi như sau:
"Điều 31. Giải quyết tranh chấp
Trong trường hợp có tranh chấp về họ hoặc phát sinh từ họ thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hoà giải hoặc theo yêu cầu của một hoặc nhiều người tham gia họ, tranh chấp đó được giải quyết tại Toà án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự."
Theo quy định trên thì khi xảy ra tranh chấp về hụi, họ sẽ được giải quyết bằng thương lượng, hòa giải hoặc có thể yêu cầu Tòa án giải quyết. Nếu bạn đã thỏa thuận với người chơi hụi mà không được thanh toán thì bạn có quyền làm đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người chơi hụi cư trú để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp. Bạn có quyền yêu cầu người chơi hụi trả một lần số tiền nợ bạn, nếu người chơi không có tiền trả bạn có quyền yêu cầu Tòa án xác minh tài sản thuộc sở hữu của người chơi hụi để tiến hành bán đấu giá thu hồi nợ. Nếu người chơi hụi không có tiền, không có tài sản thì bạn phải cho người chơi hụi khoảng thời gian để họ trả nợ.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về cách giải quyết khi bị giật hụi. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật dân sự 2005 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật