Dấu hiệu cơ bản về mặt khách thể của tội phạm trong tội cướp tài sản?

Dấu hiệu cơ bản về mặt khách thể của tội phạm trong tội cướp tài sản?

Các dấu hiệu về mặt khách thể của tội phạm
 
Đối với tội cướp tài sản, khách thể của tội phạm bao gồm cả quan hệ về tài sản và quan hệ nhân thân, hay nói cách khác, tội cướp tài sản là tội phạm cùng một lúc xâm phạm hai khách thể, nhưng khách thể bị xâm phạm trước là quan hệ nhân thân, thông qua việc xâm phạm đến nhân thân mà người phạm tội xâm phạm đến quan hệ tài sản (dùng vụ lực nhằm chiếm đoạt tài sản), nếu không xâm phạm đến quan hệ nhân thân thì người phạm tội cướp tài sản không thể xâm phạm đến quan hệ tài sản được. Đây cũng là đặc trưng cơ bản của tội cướp tài sản, nếu chỉ xâm phạm đến một trong hai quan hệ xã hội thì chưa phản ảnh đầy đủ bản chất của tội cướp tài sản, đây cũng là dấu hiệu để phân biệt tội cướp tài sản với các tội khác xâm phạm sở hữu và các tội mà người phạm tội có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nhưng không nhằm chiếm đoạt tài sản.
 
Tuy nhiên, do tội cướp tài sản cùng một lúc xâm phạm hai khách thể, trong đó quan hệ nhân thân lại quan trọng hơn quan hệ sở hữu nên có ý kiến cho rằng, không nên xếp tội cướp tài sản trong Chương "các tội xâm phạm sở hữu" mà nên xếp vào Chương "các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người". Việc nhà làm luật xếp tội cướp tài sản vào Chương các tội xâm phạm sở hữu là căn cứ vào mục đích cuối cùng của người phạm tội là nhằm chiếm đoạt tài sản, còn việc gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người chỉ là phương tiện để đạt mục đích.
 
Cách lý giải này có nhiều yếu tố hợp lý, nhưng cũng chưa lý giải vì sao tội tham ô lại xếp vào Mục A "các tội phạm về tham nhũng" trong Chương "các tội phạm về chức vụ", mặc dù mục đích cuối cùng của người phạm tội cũng là nhằm chiếm đoạt tài sản? Trong khi đó, xét về goc độ khoa học luật hình sự khi chia khách thể thành khách thể loại là nhằm mục đích sắp xếp các chương trong Bộ luật hình sự. Trên thế giới hiện nay, có nước xếp tội cướp tài sản trong Chương "các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người" nhưng cũng có nước xếp vào Chương "các tội xâm phạm sở hữu" như Việt Nam. Việc nhà làm luật xếp tội cướp tài sản vào chương này hay chương khác chỉ có ý nghĩa trong việc nghiên cứu khoa học lập pháp, chứ không có ý nghĩa trong việc nghiên cứu khoa học lập pháp, chứ không có ý nghĩa xác định các dấu hiệu pháp lý cấu thành tội cướp tài sản.
 
Do tội cướp tài sản cùng lúc xâm hại đến hai khách thể, nên trong cùng một vụ án có thể có một người bị hại, nhưng cũng có thể có nhiều người bị hại, có người bị hại chỉ bị xâm phạm đến tài sản; có người bị hại bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; có người bị hại bị xâm phạm đến cả tài sản, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự. 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội phạm

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào