Trình tự họp Hội đồng kỷ luật công chức được quy định như thế nào?

Trình tự họp Hội đồng kỷ luật công chức được quy định như thế nào? Và được quy định cụ thể ở đâu? Em xin chào và chúc sức khoẻ các anh chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật, em là Nguyễn Ngọc Trâm (email: tram***gmail.com). Em đang ôn tập để thi tuyển công chức ở tỉnh. Trong quá trình ôn tập, em muốn nhờ Ban biên tập tư vấn giúp: việc họp Hội đồng kỷ luật công chức có trình tự ra sao? Rất mong nhận được sự tư vấn từ Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn.

Trình tự họp Hội đồng kỷ luật công chức đã được quy định cụ thể tại Khoản 2 Điều 19 Nghị định 34/2011/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức.

Theo đó, trình tự họp Hội đồng kỷ luật công chức được quy định như sau:

a) Chủ tịch Hội đồng kỷ luật tuyên bố lý do, giới thiệu các thành viên tham dự;

b) Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng kỷ luật đọc trích ngang sơ yếu lý lịch của công chức có hành vi vi phạm pháp luật và các tài liệu khác có liên quan;

c) Công chức có hành vi vi phạm pháp luật đọc bản tự kiểm điểm, nếu công chức có hành vi vi phạm pháp luật vắng mặt thì Thư ký Hội đồng kỷ luật đọc thay, nếu công chức có hành vi vi phạm pháp luật không làm bản tự kiểm điểm thì Hội đồng kỷ luật tiến hành các trình tự còn lại của cuộc họp quy định tại Khoản này;

d) Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng kỷ luật đọc biên bản cuộc họp kiểm điểm;

đ) Các thành viên Hội đồng kỷ luật và người tham dự cuộc họp phát biểu ý kiến;

e) Công chức có hành vi vi phạm pháp luật phát biểu ý kiến; nếu công chức có hành vi vi phạm pháp luật không phát biểu ý kiến hoặc vắng mặt thì Hội đồng kỷ luật tiến hành các trình tự còn lại của cuộc họp quy định tại Khoản này;

g) Hội đồng kỷ luật bỏ phiếu kín kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật;

h) Chủ tịch Hội đồng kỷ luật công bố kết quả bỏ phiếu kín và thông qua biên bản cuộc họp;

i) Chủ tịch Hội đồng kỷ luật và Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng kỷ luật ký vào biên bản cuộc họp.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về trình tự họp Hội đồng kỷ luật công chức. Nếu muốn tìm hiểu rõ hơn, bạn có thể tham khảo quy định tại Nghị định 34/2011/NĐ-CP.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào