Áp dụng biện pháp nghiệp vụ quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng đối với một số trường hợp rủi ro cao về thuế
Áp dụng biện pháp nghiệp vụ quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng đối với một số trường hợp rủi ro cao về thuế được quy định tại Điều 8 Thông tư 99/2016/TT-BTC hướng dẫn về quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, theo đó:
1. Trường hợp qua kiểm tra, thanh tra thuế phát hiện người nộp thuế mua hàng hóa, dịch vụ của người nộp thuế khác (bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ) có hành vi trốn thuế, gian lận thuế, cơ quan thuế phải bổ sung kế hoạch kiểm tra, thanh tra bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ; hoặc đề nghị cơ quan thuế quản lý trực tiếp bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ bổ sung kế hoạch và thực hiện kiểm tra, thanh tra hoặc cung cấp thông tin về việc chấp hành pháp luật thuế của bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ để có căn cứ giải quyết hoàn thuế.
2. Trường hợp người nộp thuế có giao dịch thanh toán liên quan đến tổ chức, cá nhân có giao dịch đáng ngờ theo danh sách cảnh báo của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng; hoặc qua kiểm tra, thanh tra thuế phát hiện người nộp thuế có chứng từ thanh toán qua ngân hàng có nội dung chưa đầy đủ, chưa đúng quy định:
a) Cơ quan thuế có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có liên quan cung cấp thông tin (bao gồm cả sổ phụ tài Khoản) của người trả (hoặc chuyển) tiền, người thụ hưởng số tiền trên chứng từ (hoặc cá nhân liên quan đến người thụ hưởng) để có căn cứ giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng;
b) Cơ quan thuế có văn bản đề nghị cơ quan hải quan cửa khẩu cung cấp thông tin về lượng tiền mặt (ngoại tệ hoặc đồng Việt Nam) mang qua cửa khẩu vào Việt Nam trong thời hạn 5 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của cơ quan thuế để có căn cứ giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất liền theo quy định.
3. Trường hợp qua kiểm tra, thanh tra thuế phát hiện người nộp thuế có dấu hiệu trốn thuế, gian lận thuế theo quy định của pháp luật về thuế và có dấu hiệu tội phạm, cơ quan thuế chuyển hồ sơ cho cơ quan công an để xử lý theo quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự.
4. Quá thời hạn kiểm tra, thanh tra thuế nhưng cơ quan thuế chưa nhận được kết quả trả lời, xác minh của các cơ quan có liên quan nêu tại Điều này thì:
a) Trường hợp hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau, cơ quan thuế kiểm tra xác định số thuế đủ Điều kiện được hoàn khác số thuế đề nghị hoàn thì xử lý như sau:
- Nếu số thuế đề nghị hoàn lớn hơn số thuế đủ Điều kiện được hoàn thì người nộp thuế được hoàn bằng số thuế đủ Điều kiện được hoàn.
- Nếu số thuế đề nghị hoàn nhỏ hơn số thuế đủ Điều kiện được hoàn thì người nộp thuế được hoàn bằng số thuế đề nghị hoàn.
Trường hợp cơ quan thuế xác định số thuế đủ Điều kiện được hoàn thì giải quyết hoàn số thuế đã đủ Điều kiện hoàn, không chờ kiểm tra xác minh toàn bộ hồ sơ mới thực hiện hoàn thuế; đối với số thuế cần kiểm tra xác minh, yêu cầu người nộp thuế giải trình, bổ sung hồ sơ thì xử lý hoàn thuế khi có đủ Điều kiện theo quy định.
b) Trường hợp kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế, cơ quan thuế phải kết thúc kiểm tra, thanh tra đúng thời hạn quy định. Đối với số tiền thuế đã hoàn đang chờ kết quả trả lời, xác minh của các cơ quan có liên quan, cơ quan thuế phải nêu rõ trong biên bản kiểm tra, kết luận thanh tra về việc chưa đủ căn cứ kết luận số tiền thuế đủ Điều kiện hoàn thuế. Khi có kết quả trả lời, xác minh của các cơ quan có liên quan, cơ quan thuế xác định số tiền thuế đã hoàn không đủ Điều kiện hoàn thuế thì có quyết định thu hồi số thuế đã hoàn và xử phạt người nộp thuế theo quy định của pháp luật.
Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về áp dụng biện pháp nghiệp vụ quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng đối với một số trường hợp rủi ro cao về thuế, được quy định tại Thông tư 99/2016/TT-BTC. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật