Nguyên tắc quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng được quy định như thế nào?
Nguyên tắc quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng được quy định tại Điều 3 Thông tư 99/2016/TT-BTC hướng dẫn về quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, theo đó:
1. Người nộp thuế thuộc trường hợp được hoàn thuế theo quy định tại Luật Thuế giá trị gia tăng tự xác định số tiền thuế giá trị gia tăng đủ Điều kiện khấu trừ, hoàn thuế, khai đề nghị hoàn thuế, lập và gửi hồ sơ đề nghị hoàn thuế đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
2. Việc giải quyết hoàn thuế được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 59 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 (sau đây gọi là Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11) và Khoản 18 Điều 1 Luật quản lý thuế số 21/2012/QH13 ngày 20/11/2012 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quản lý thuế (sau đây gọi là Luật quản lý thuế số 21/2012/QH13) và các văn bản hướng dẫn thi hành.
3. Áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong việc giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Luật quản lý thuế số 21/2012/QH13; Khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế số 106/2016/QH13 ngày 06/4/2016 (sau đây gọi là Luật số 106/2016/QH13) và các văn bản hướng dẫn thi hành.
4. Cơ quan thuế ứng dụng công nghệ thông tin theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử trongviệc tiếp nhận, giải quyết, quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng và thực hiện kết nối, trao đổi thông tin với các cơ quan có liên quan trong việc giải quyết hoàn thuế cho người nộp thuế.
Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về nguyên tắc quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng, được quy định tại Thông tư 99/2016/TT-BTC. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật