Tội cướp tài sản trong trường phạm tội chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng
Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng
Trong nhiều trường hợp, người phạm tội cướp tài sản mới thực hiện hành vi vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được, nhưng chưa chiếm đoạt được tài sản. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp người phạm tội cướp đã lấy được tài sản. Nhưng dù người phạm tội có lấy được tài sản hay không mà tài sản đó (tài sản mà người phạm tội định chiếm đoạt) có giá trị trừ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, thì người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm e khoản 2 Điều 133.
Đối với trường hợp người phạm tội lấy được tài sản, thì căn cứ vào giá bán tài sản đó tại địa phương xảy ra tội phạm để xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt, chứ không căn cứ vào giá người bị hại hoặc mua hoặc giá người phạm tội bán cho người khác. Trong trường hợp cần thiết thì cơ quan tiền hành tố tụng phải tiến hành xác định giá để xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt, nhất là đối với tài sản có giá trị xấp xỉ 50 triệu đồng hoặc 200 triệu đồng hoặc tài sản không được lưu thông trên thì trường.
Đối với trường hợp người phạm tội chưa lấy được tài sản thì việc xác định giá trị tài sản cần phải phân biệt:
- Nếu có căn cứ xác định người phạm tội có ý định chiếm đoạt một loại tài sản nào đó như: định cướp chiếc xe máy của người khác, biết người bị hại vừa lĩnh 100 triệu đồng ở Ngân hàng nên chặn đường để cướp... thì căn cứ vào giá của tài sản định cướp để xác định giá trị tài sản bị cướp.
- Nếu có căn cứ xác định người phạm tội không biết tài sản mình cướp có giá trị bao nhiêu, gồm những tài sản gì thì cũng căn cứ vào giá trị thật của tài sản mà người phạm tội định chiếm đoạt để xác định giá trị tài sản bị cướp. A, B và C chặn đường xem có ai đi qua thì cướp tài sản. Bọn chúng gặp một người mặc quần áo bộ đội, đeo ba lô đi qua, cả bọn xông ra đấm đá định cướp chiếc ba lô, nhưng bị người này chống cự quyết liệt nên chúng không lấy được chiếc ba lô. Sau khi xảy ra sự việc thì biết trong ba lô của người bị hại có nhiều tài sản giá trị lên tới 190 triệu đồng.
Tuy nhiên có trường hợp người phạm tội bắt trói người bảo vệ và đột nhập vào kho chứa hành trăm chiếc tivi màu, nhưng chưa lấy được chiếc nào thì bị phát hiện. Nếu căn cứ vào giá trị toàn bộ số tivi có trong kho để xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt thì người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm theo khoản 4 Điều 133, nên có ý kiến cho rằng, trong trường hợp người phạm tội không xác định rõ mục đích chiếm đoạt (có gì cũng cướp) hoặc không biết rõ giá trị tài sản mà mình chiếm đoạt chưa lấy được tài sản thì chỉ nên truy cứu người phạm tội theo khoản 1 Điều 133 Bộ luật hình sự. Vấn đề này, chắc chắn các cơ quan có trách nhiệm sẽ phải giải thích hoặc hướng dẫn, nhưng chúng tôi cho rằng nên căn cứ vào giá trị thật của tài sản mà người phạm tội định chiếm đoạt để làm căn cứ xác định giá trị tài sản bị cướp. Bởi lẽ, đối với những người phạm tội cướp tài sản, nhất là những vụ cướp có tổ chức với quy mô lớn, dùng cả ô tô, tàu thủy để làm phương tiện chở hàng hóa cướp được mà không căn cứ vào giá trị tài sản thật mà chúng định cướp thì không góp phần vào việc đấu tranh phòng chống loại tội phạm nguy hiểm này.
Thư Viện Pháp Luật