Tại sao phải thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại?
Về mặt lý luận và thực tiễn, chế định Thừa phát lại ra đời mang lại nhiều lợi ích to lớn cho người dân và cả cho Nhà nước:
- Trước hết, sự xuất hiện của Thừa phát lại bên cạnh hệ thống cơ quan thi hành án dân sự của Nhà nước sẽ tạo điều kiện cho người dân được lựa chọn phương thức thi hành án thích hợp và hiệu quả nhất.
- Sự ra đời của các văn phòng Thừa phát lại sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trong công tác thi hành án dân sự, tạo động lực to lớn nhằm thúc đẩy các cơ quan thi hành án dân sự của Nhà nước trong việc đổi mới phương thức hoạt động nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân.
- Bên cạnh đó, pháp luật tố tụng dân sự hiện hành đã đưa ra nguyên tắc: Ai đi kiện thì người đó phải chứng minh và phương tiện để chứng minh thuyết phục nhất là chứng cứ. Thừa phát lại chính là thiết chế giúp người dân lập vi bằng có giá trị chứng cứ để chứng minh. Và theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự thì người được thi hành án phải có trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án, do vậy, họ rất cần sự trợ giúp của Thừa phát lại trong việc xác minh điều kiện thi hành án. Ở khía cạnh này, Thừa phát lại được ví như một trợ thủ pháp lý đắc lực của người dân.
- Nếu chủ trương thí điểm Thừa phát lại thành công sẽ giảm tải đáng kể cho hoạt động của các cơ quan nhà nước, nhất là cho Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự. Ngoài ra, mô hình Thừa phát lại còn giúp Nhà nước tiết kiệm được ngân sách, tiết kiệm được nhân lực và góp phần thu gọn bộ máy và tinh giản biên chế của cơ quan nhà nước.
- Việc triển khai chế định Thừa phát lại sẽ thúc đẩy và nâng cao hiệu quả của công tác thi hành án dân sự và hệ quả tất yếu là người dân sẽ được phục vụ tốt hơn, quyền lợi hợp pháp được đảm bảo tốt hơn.
Với ý nghĩa đó, mặc dù vẫn sử dụng tên gọi cũ là Thừa phát lại nhưng quan điểm về Thừa phát lại, nội dung của chế định Thừa phát lại đã không còn giống như trước đây. Có thể nói, tên gọi thừa phát lại là cũ nhưng mang nội hàm mới, cách làm mới và nhiệm vụ mới. Vì vậy, việc thí điểm chế định Thừa phát lại với mục đích đánh giá kết quả thực hiện chế định trước khi áp dụng trong thực tiễn cuộc sống.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về lý do thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật