Biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội ở tỉnh
Biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội ở tỉnh được quy định tại Điều 83 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015, theo đó, biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội ở tỉnh được quy định như sau:
1. Sau khi nhận, kiểm tra biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội của các Ban bầu cử và giải quyết khiếu nại, tố cáo (nếu có), Ủy ban bầu cử ở tỉnh, lập biên bản xác định kết quả bầu cử ở địa phương.
2. Biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có các nội dung sau đây:
a) Số lượng đơn vị bầu cử;
b) Số lượng người ứng cử;
c) Tổng số cử tri của địa phương;
d) Số lượng cử tri đã tham gia bỏ phiếu, tỷ lệ so với tổng số cử tri của địa phương;
đ) Số phiếu hợp lệ;
e) Số phiếu không hợp lệ;
g) Số phiếu bầu cho mỗi người ứng cử;
h) Danh sách những người trúng cử theo từng đơn vị bầu cử;
i) Những khiếu nại, tố cáo do Tổ bầu cử, Ban bầu cử đã giải quyết;
k) Những việc quan trọng đã xảy ra và kết quả giải quyết;
l) Những khiếu nại, tố cáo do Ủy ban bầu cử ở tỉnh đã giải quyết;
m) Những khiếu nại, tố cáo và kiến nghị chuyển đến Hội đồng bầu cử quốc gia.
3. Biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được lập thành bốn bản, có chữ ký của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử. Biên bản được gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh chậm nhất là 07 ngày sau ngày bầu cử.
Trên đây là quy định về biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội ở tỉnh. Để hiểu rõ hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật