Các hình thức tố cáo
Theo Điều 9 Luật Tố cáo 2011:
Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo
1. Người tố cáo có các quyền sau đây:
a) Gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
b) Được giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của mình;
c) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thông báo về việc thụ lý giải quyết tố cáo, thông báo chuyển vụ việc tố cáo sang cơ quan có thẩm quyền giải quyết, thông báo kết quả giải quyết tố cáo;
d) Tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo không được giải quyết;
đ) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe dọa, trả thù, trù dập;
e) Được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
2. Người tố cáo có các nghĩa vụ sau đây:
a) Nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình;
b) Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được;
c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình;
d) Bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra.
Như vậy căn cứ theo quy định trên thì chỉ có hai hình thức tố cáo là:
1. Gửi đơn;
2. Trực tiếp chứ không có hình thức tố cáo online. Đồng thời khi tố cáo người tố cáo có nghĩa vụ phải nêu rõ họ tên, địa chỉ của mình. Tuy nhiên nếu muốn giữ bí mật về việc mình tố cáo người tố cáo có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức tiếp nhận đơn, các cơ quan có thẩm quyền liên quan giữ bí mật thông tin về họ tên, địa chỉ, bút tích của mình.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về các hình thức tố cáo. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Tố cáo 2011 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật