Xử lý đối với người quấy rối, xúc phạm người khác qua điện thoại
Nếu thông tin chị cung cấp là chính xác, người chồng cũ và vợ của anh ta đã có hành vi quấy rối, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của chị thông qua hoạt động viễn thông và hành vi xâm hại đến sức khỏe của chị.
Theo quy định tại Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, người có hành vi “đe dọa, quấy rối, xúc phạm, xuyên tạc, vu khống uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, ngoài ra người vi phạm phải chịu hình thức khắc phục hậu quả “buộc chấm dứt sử dụng dịch vụ”.
Theo quy định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, thì người có hành vi: “xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác” bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
Nếu cơ quan chức năng xét thấy hành vi quấy rối, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của chị ở mức độ nghiêm trọng (đặt trong mối liên hệ giữa ý thức chủ quan của người phạm tội hay người bị hại, kết hợp với các yếu tố khác như trình độ nhận thức, mối quan hệ gia đình và xã hội, địa vị xã hội, quá trình hoạt động của bản thân người bị hại, phong tục tập quán, truyền thống gia đình…), hai người này có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 121 Bộ luật Hình sự năm 1999 đã được sửa đổi, bổ sung (BLHS) - Tội làm nhục người khác, với mức hình phạt cao nhất là 03 năm tù giam; người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Đối với hành vi cố ý gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tình tiết tăng nặng là vi phạm nhiều lần đối với cùng một người của người chồng cũ và vợ của anh ta, nếu xét thấy hành vi là nguy hiểm đáng kể (căn cứ vào tổn hại thực tế, cường độ xâm hại…), cơ quan chức năng có thể xử lý hình sự họ theo quy định tại Điều 104 BLHS, với mức hình phạt nhẹ nhất là cải tạo không giam giữ đến 03 năm, nặng nhất là tù chung thân.
Do vậy, để bảo vệ mình, chị có thể có đơn hoặc trực tiếp tố giác hành vi vi phạm nêu trên tới các cơ quan như: Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông, cơ quan công an cấp huyện hoặc tỉnh…
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về xử lý đối với người quấy rối, xúc phạm người khác qua điện thoại. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 174/2013/NĐ-CP để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật